70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Quốc hội khóa IV (1971 - 1975), Quốc hội khóa V (1975 - 1976)
Quốc hội khóa IV (1971 - 1975)
Quốc hội bầu ngày 11.4.1971, có 420 đại biểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ có 23 đồng chí, do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch. Ngoài các ủy ban đã có, nhiệm kỳ này Quốc hội thành lập thêm Ủy ban đối ngoại.
Trong 4 năm hoạt động, Quốc hội họp 5 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 53 phiên và đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu của các kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế; phê chuẩn các dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm, góp phần quan trọng vào việc củng cố và xây dựng miền Bắc XHCN, bảo đảm sức mạnh để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ. Hoạt động của Quốc hội đã góp phần quan trọng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta nhằm đánh đổ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất Tổ quốc.
Khóa này, Bình Định không có đại biểu nào.
Đồng bào theo đạo Thiên chúa xứ Xuân Phương, huyện Hải Hậu, Nam Định, bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V, ngày 6.4.1975.
Quốc hội khóa V (1975 - 1976)
Quốc hội bầu ngày 6.4.1975, có 424 đại biểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ này do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch. Quốc hội khóa V ra đời trong bối cảnh miền Nam vừa mới giải phóng và hoạt động chưa đầy 2 năm (1975-1976). Quốc hội chỉ họp 2 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 10 phiên, nhưng đã quyết định được nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là góp phần quan trọng trong việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước.
Quốc hội đã nghiên cứu, thảo luận đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1975 và quyết định kế hoạch nhà nước năm 1976, mở đầu thời kỳ xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và XHCN; quyết định cải tiến hệ thống các đơn vị hành chính, phê chuẩn việc giải thể cấp khu và hợp nhất một số tỉnh nhỏ thành tỉnh lớn theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Để thực hiện nhiệm vụ thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, trên cơ sở sự nhất trí giữa Quốc hội và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các cơ quan có trách nhiệm ở miền Nam, ngày 27.10.1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên họp đặc biệt để thảo luận, thông qua Đề án thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, cử đoàn đại biểu miền Bắc tham dự Hội nghị Hiệp thương với đoàn đại biểu miền Nam. Tại Hội nghị hiệp thương, 2 đoàn đại biểu của miền Nam và miền Bắc đã trình bày quan điểm và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đối với yêu cầu thống nhất nước nhà. Hội nghị khẳng định: “Cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và CNXH. Đó là sự thống nhất trọn vẹn vững chắc nhất”.
Tại kỳ họp thứ hai (12.1975), Quốc hội đã sôi nổi thảo luận và nhất trí thông qua Nghị quyết phê chuẩn kết quả của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, mở ra thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam thống nhất.
Trong khóa này, Bình Định không có đại biểu nào.
(còn nữa)