Cây quýt đường trên đất Đồng Sim
Gần 8 năm trở lại đây, người dân ở xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn) và các địa phương lân cận đã đưa giống quýt đường từ miền Tây Nam bộ về trồng ở khu vực thôn Đồng Sim - xã Tây Xuân, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Ông Nguyễn Cai, nguyên Trưởng thôn Đồng Sim cho biết: “Đến nay trên địa bàn thôn có gần 25 ha quýt đường, mỗi vườn có diện tích 1/2 ha - 10 ha của 13 chủ vườn. Hầu hết người trồng quýt đều học tập làm theo kỹ thuật trồng quýt của ông Mã Hoàng Minh - dân miền Tây Nam bộ, đã di giống cây quýt đường từ miền Nam ra, là người đầu tiên trồng quýt với diện tích khá lớn ở đất đồi Đồng Sim và đã thành công đáng kể. Tuy là tự phát, nhưng phong trào trồng quýt đường ở đây đã thu hút nhiều người tham gia. Gia đình tôi đã đầu tư trồng gần 1 ha quýt, được 2 năm tuổi, đang phát triển xanh tốt”.
Theo ông Phạm Ngọc Liễn - ở thị trấn Phú Phong, chủ vườn quýt đường diện tích 10 ha, trồng từ năm 2009 - quýt đường là loại cây tương đối khó trồng, đòi hỏi các yếu tố về kỹ thuật canh tác, cách phòng trị bệnh thối rễ, nấm cây, bọ trĩ và bệnh nhện đỏ trên quả. Khi quyết định đầu tư ở đây, chúng tôi đã làm tốt quy trình kỹ thuật nên sau 24 - 36 tháng kể từ ngày trồng, cây quýt bắt đầu cho quả. Với mật độ trồng cây cách cây 3m x 3m, hàng cách hàng 3m x 3m, sản lượng có thể đạt 30 tấn/ha. Với giá thị trường bình quân 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình thu về nguồn lợi kha khá.
Ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Tây Xuân cho biết: Cây quýt đường là cây ăn trái được trồng đầu tiên ở thôn Đồng Sim, đã thích nghi và sinh trưởng, phát triển tốt. Tuyến đường nối thôn Đồng Sim với quốc lộ 19 dài gần 5 km, được bê tông xi măng, mở ra cơ hội giao thương thuận lợi cho người dân. Việc người dân năng động làm ăn, như trồng cây quýt đường với diện tích lớn, sản xuất nông sản hàng hóa, đã kích thích phong trào thi đua sản xuất giỏi, tăng thu nhập và làm giàu.
ĐÀO MINH TRUNG