Tăng lương - buồn vui lẫn lộn
Từ ngày 1.1.2016, cả nước sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới. Theo đó, tùy theo vùng, mức tăng lương từ 250 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng. Thông tin này đã được nhiều công nhân bàn tán với nhau vài tuần qua. Họ bàn trong buổi cơm trưa vội vàng, giờ tan ca hoặc lúc vô tình giáp mặt nhau ở chợ gần khu công nghiệp.
Tăng lương là điều đáng mừng. Ví như, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương (quê ở huyện Phù Mỹ) hiện có thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng (tính cả tăng ca). Nay nhờ tăng lương tối thiểu vùng, anh chị có thêm ít nhất 500 ngàn đồng để trang trải cuộc sống. Vậy là cũng quý rồi. Nhưng đêm về, nhẩm tính tiền chi tiêu mỗi tháng, tiền sữa cho con, tiền gửi con nhà trẻ... vợ chồng chị đều lắc đầu vì chỉ mới đủ sống, chứ chẳng dư thêm được là bao để gọi là có tích lũy đặng xây sửa cái nhà.
Chưa kể, năm hết Tết đến, giá cả “leo thang”, nay lại thêm thông tin tăng lương, tiểu thương chắc chắn là “thổi” giá theo lương. “Đi chợ mua gì mà than đắt đỏ, chị bán hàng cũng chêm vào câu: thì lương cũng tăng rồi mà, tôi chẳng biết nói lại thế nào. Vì đúng là lương tăng thật. Nhưng mục đích của lương tăng là phù hợp với mức sống hiện tại, để người lao động trang trải cuộc sống. Nào ngờ lương tăng, giá cũng tăng theo. Biết bao giờ mới phù hợp với mức sống đây?”, chị Hương bày tỏ.
“Đồng nghiệp” của chị Hương, chị Phan Thị Diệu (quê ở thị xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát) cũng gửi gắm thêm: “Không chỉ giá thực phẩm, giá nhà trọ cũng tăng. Tuần trước, bà chủ nhà trọ đi một vòng thông báo giá phòng mới.”.
Đời sống công nhân của tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn. Được tăng lương là niềm vui của họ. Song, vui đấy mà cũng buồn đấy. Bởi lương bao giờ cũng đi sau giá cả thị trường. Thiết nghĩ, ngoài chính sách tăng lương, người công nhân cũng mong lắm Nhà nước có chính sách bình ổn giá, kiểm soát giá cả để người lao động bớt gánh nặng.
HÀ THANH