Xóa bỏ lò gạch ngói nung thủ công: Không đảm bảo lộ trình
Thực hiện lộ trình và chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất gạch ngói bằng đất sét nung thủ công (sau đây viết tắt là SXGNTC) theo Quyết định số 48/2013 của UBND tỉnh, trong 2 năm 2014 và 2015, các địa phương trong tỉnh phải tháo dỡ 793 cơ sở SXGNTC, nhưng đến nay chỉ mới tháo dỡ được 342 cơ sở.
Nhiều địa phương không hoàn thành nhiệm vụ
Theo Sở Xây dựng (XD), toàn tỉnh có 1.208 cơ sở SXGNTC phải xóa bỏ theo lộ trình từ năm 2014-2016. Trong đó, năm 2014, có 409 cơ sở nằm trong khu dân cư tại Tây Sơn (191 cơ sở), An Nhơn- 137; Hoài Nhơn - 28; Phù Cát - 22; Hoài Ân - 12 và Phù Mỹ - 8 cơ sở, phải tháo dỡ trong năm 2014. Năm 2015 xóa bỏ trên 384 cơ sở nằm ngoài khu dân cư hoặc trong các điểm sản xuất tập trung ngoài cụm công nghiệp (CCN) tại Tây Sơn (341 cơ sở); Phù Cát - 7 cơ sở; An Nhơn - 36 cơ sở.
Nhiều cơ sở SXGNTC nằm trong khu dân cư ở xã Bình Nghi (Tây Sơn) chưa được tháo dỡ.
Tỉnh hỗ trợ kinh phí tháo dỡ các cơ sở SXGNTC từ 5-10 triệu đồng (tùy theo công suất lò nung). Đối với kinh phí hỗ trợ ổn định đời sống cho người lao động tại các cơ sở SXGNTC, địa bàn huyện Tây Sơn được tỉnh hỗ trợ 70% kinh phí, huyện hỗ trợ 30%; các địa phương khác được tỉnh hỗ trợ 50% và huyện hỗ trợ 50%.
Thực tế cho thấy, hầu hết các địa phương đều đã triển khai thực hiện lộ trình xóa bỏ cơ sở SXGNTC, nhưng kết quả không cao. Tây Sơn là địa phương có nhiều cơ sở SXGNTC phải tháo dỡ, nhưng trong 2 năm 2014 và 2015 không đảm bảo lộ trình. Theo đó, năm 2014 huyện Tây Sơn phải tháo dỡ 191 cơ sở; năm 2015 tháo dỡ thêm 341 cơ sở, nhưng năm 2014 Tây Sơn mới chỉ tháo dỡ được 160 cơ sở, năm 2015 chưa tháo dỡ được cơ sở nào.
Ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: Số lượng cơ sở SXGNTC trên địa bàn huyện quá lớn, phân bổ trên địa bàn rộng, trong thời gian ngắn không thể thực hiện xóa bỏ hết được. Hơn nữa, nghề SXGNTC là nghề truyền thống với nhiều lao động tham gia, nếu tháo dỡ, chấm dứt ngay các cơ sở SXGNTC sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của người dân, từ đó nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khác. Ngoài ra, cũng có hộ dân chưa tháo dỡ cơ sở SXGNTC là do kinh tế gia đình còn khó khăn, họ muốn giữ lại để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân và thị xã An Nhơn cũng không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đến nay, nhiều cơ sở SXGNTC cần phải xóa bỏ trong năm 2014 và năm 2015 theo lộ trình vẫn còn hoạt động.
Ông Trần Viết Bảo, Phó Giám đốc Sở XD, cho biết: Năm 2014, các địa phương đã xóa bỏ được 327/409 cơ sở SXGNTC. Năm 2015, chỉ có huyện Phù Cát và thị xã An Nhơn thực hiện lộ trình, tháo dỡ được 15 cơ sở SXGNTC, còn các địa phương khác không thực hiện. Như vậy, qua 2 năm thực hiện lộ trình, toàn tỉnh mới chỉ xóa bỏ được 342/793 cơ sở SXGNTC cần phải xóa bỏ theo lộ trình. Qua kiểm tra, chúng tôi thấy chính quyền các địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện lộ trình. Hơn nữa, trong năm 2015, nhu cầu sử dụng vật liệu gạch ngói lớn, giá gạch ngói cao, nên người dân cố tình kéo dài thời gian hoạt động, không muốn tháo dỡ cơ sở SXGNTC.
Giải pháp nào?
Trước kết quả yếu kém trong thực hiện lộ trình xóa bỏ cơ sở SXGNTC trong năm 2014 và 2015, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu UBND các huyện Tây Sơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ xóa bỏ cơ sở SXGNTC theo lộ trình được UBND tỉnh phê duyệt. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương nói trên khẩn trương thực hiện việc hỗ trợ tháo dỡ, xóa bỏ các cơ sở SXGNTC, chậm nhất đến tháng 3.2016 phải hoàn thành theo lộ trình. Quá thời hạn nêu trên, nếu địa phương nào chưa hoàn thành nhiệm vụ thì tự bố trí kinh phí để thực hiện. Đối với các địa phương đã được UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện xóa bỏ lò GNTC trong năm 2015, phải hoàn thành việc chi trả, hỗ trợ tháo dỡ cơ sở SXGNTC và ổn định đời sống cho người dân theo tinh thần QĐ 48/2013 của UBND tỉnh.
Theo QĐ 48/2013 ngày 20.12.2013 của UBND tỉnh quy định lộ trình và chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động các cơ sở SXGNTC trên địa bàn tỉnh, từ ngày 1.1 - 31.12.2014, chấm dứt hoạt động đối với các lò GNTC nằm trong khu dân cư; đến ngày 31.12.2015 chấm dứt hoạt động đối với lò GNTC nằm ngoài khu dân cư hoặc trong các điểm sản xuất tập trung ngoài CCN; đến ngày 31.12.2016 chấm dứt hoạt động đối với các lò GNTC trên địa bàn tỉnh.
Theo ngành chức năng, nhiệm vụ xóa bỏ các cơ sở SXGNTC theo lộ trình trong năm 2016 đã được tỉnh phê duyệt là rất nặng, bởi ngoài việc phải xóa bỏ trên 451 cơ sở SXGNTC các năm trước tồn đọng, các địa phương còn phải tiếp tục xóa bỏ 415 cơ sở tại các CCN. Nặng nhất vẫn là huyện Tây Sơn, bởi ngoài hàng trăm cơ sở SXGNTC các năm trước tồn đọng cần phải giải quyết, trong năm 2016 còn phải xóa bỏ toàn bộ 415 cơ sở SXGNTC tại các CCN.
Ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho rằng, xóa bỏ các cơ sở SXGNTC là chủ trương đúng, cần phải tập trung thực hiện. “Trong quý I.2016, sau khi đã tuyên truyền, vận động, nếu 31 chủ cơ sở SXGNTC còn tồn đọng từ năm 2014 không chịu tháo dỡ, chúng tôi sẽ cưỡng chế xóa bỏ, đồng thời chỉ đạo ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn triển khai quyết liệt các giải pháp, nhằm xóa bỏ 341 cơ sở SXGNTC còn tồn đọng từ năm 2015. UBND huyện cũng sẽ tiến hành kiểm tra, nắm chắc cụ thể các cơ sở SXGNTC tại các CCN, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tháo dỡ cơ sở SXGNTC theo đúng quy định, phấn đấu đến giữa năm 2017 sẽ xóa bỏ toàn bộ các cơ sở SXGNTC trên địa bàn huyện”.
“Sở XD sẽ phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện lộ trình xóa bỏ các cơ sở SXGNTC tại địa phương và việc thực hiện chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động SXGNTC cho người dân, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét chỉ đạo”- ông Trần Viết Bảo, Phó Giám đốc Sở XD, cho biết thêm.
PHẠM TIẾN SỸ