Khai mạc phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Chính phủ báo cáo tình hình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế
Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc sáng nay, 14.1. UBTVQH đã nghe trình bày về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).
Theo đó, Ủy ban Đối ngoại đề nghị sửa tên Luật thành "Luật Điều ước quốc tế" để đảm bảo tính khái quát, ngắn gọn, phù hợp với thực tiễn tên gọi các luật trong nước và pháp luật quốc tế về điều ước quốc tế.
Đáng lưu ý, liên quan đến vấn đề có coi thỏa thuận vay nợ nước ngoài là điều ước quốc tế (ĐƯQT) hay không, Ủy ban Đối ngoại giải trình: Theo định nghĩa “điều ước quốc tế” tại dự thảo Luật, nếu thỏa thuận vay đáp ứng được các tiêu chí của ĐƯQT (được ký kết với chủ thể của luật quốc tế và được điều chỉnh theo luật quốc tế như trường hợp các hiệp định vay Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)...) thì do Luật ĐƯQT điều chỉnh; nếu được ký với các ngân hàng thương mại không nhân danh Nhà nước hay Chính phủ nước họ thì không phải là ĐƯQT, vì ngân hàng không đáp ứng tiêu chí là “chủ thể của luật quốc tế”.
“Thỏa thuận vay khi không được coi là ĐƯQT sẽ có bản chất là hợp đồng kinh tế, các quyền và nghĩa vụ của các bên trong thỏa thuận vay vẫn được tôn trọng và thực hiện đầy đủ. Điểm khác so với ĐƯQT là trách nhiệm đó không xác định theo luật quốc tế mà theo luật quốc gia hoặc chế tài cụ thể quy định trong hợp đồng. Quy trình ký kết thỏa thuận vay không là ĐƯQT do Luật Quản lý nợ công điều chỉnh. Các vấn đề về mức độ, tiêu chuẩn khoản vay, mục đích và thẩm quyền phê duyệt đối với từng trường hợp, nếu cần thiết thì nên quy định tại Luật Quản lý nợ công khi sửa đổi Luật này”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng nhấn mạnh.
Về một số nội dung cụ thể, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự luật đã bổ sung Kiểm toán Nhà nước vào các “chủ thể đề xuất đàm phán, ký ĐƯQT”; bổ sung quy định Chủ tịch nước, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về tình hình đàm phán, ký ĐƯQT thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội.
Về giám sát việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, tiếp thu ý kiến cho rằng không nên quy định lại các nội dung giám sát đã được quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, dự thảo Luật đã chỉnh lý và chuyển Điều 84 thành một điều tại Chương I về những quy định chung (Điều 8 Dự thảo chỉnh lý).
Khẩn trương xây dựng, trình dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước
* Đề nghị mở rộng chủ thể cung cấp thông tin
Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin là một trong những nội dung quan trọng vừa được UBTVQH xem xét, cho ý kiến.
Theo báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày tại phiên họp này, liên quan đến ý kiến ĐBQH đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật về thông tin thuộc bí mật nhà nước, quy định cụ thể về thông tin mật, mức độ bí mật và thời hạn giải mật..., Ủy ban Pháp luật cho rằng, vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước đúng là có mối liên hệ chặt chẽ với quyền tiếp cận thông tin của công dân; nếu thông tin mật không được xác định đúng, không được giải mật kịp thời sẽ làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân.
“Hiện nay, quy định về tài liệu mật ở nước ta thực hiện theo Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000 và tại một số pháp lệnh, nghị định có hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân, nhưng như vậy là không phù hợp với Hiến pháp. Theo quy định của Hiến pháp thì việc hạn chế quyền công dân chỉ có thể được quy định bằng luật”, ông Phan Trung Lý cho biết. Người đứng đầu Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định, để khắc phục tình trạng như ý kiến đại biểu nêu, UBTVQH cần yêu cầu các cơ quan hữu quan khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Dự án này đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Về thông tin được cung cấp và cơ quan cung cấp thông tin, qua thảo luận còn 2 loại ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra.
Loại ý kiến thứ nhất - Ủy ban Pháp luật đồng tình với loại ý kiến này - đề nghị mở rộng phạm vi thông tin được cung cấp, theo đó cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và thông tin do mình đang nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Loại ý kiến thứ hai tán thành với thảo Luật quy định thông tin phải cung cấp là thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra nhằm bảo đảm tính chính xác của thông tin và tính khả thi của Luật; riêng đối với Ủy ban nhân dân cấp xã do là đơn vị cơ sở, gắn bó trực tiếp với người dân thì phải cung cấp thông tin do mình tạo ra hoặc thông tin do mình nắm giữ. Đối với cơ quan khác của nhà nước, trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng thì người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình nắm giữ theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của dự thảo Luật. Dự thảo Luật đang được thể hiện theo loại ý kiến này.
Liên quan đến việc giao cho UBND cấp xã cung cấp thông tin nhận được, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định giới hạn UBND cấp xã chỉ cung cấp thông tin cho công dân cư trú trên địa bàn.
Khác với quan điểm của cơ quan soạn thảo, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị mở rộng chủ thể cung cấp thông tin, không chỉ có cơ quan nhà nước mà bao gồm cả các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có sử dụng ngân sách nhà nước, vì có rất nhiều thông tin của các tổ chức, đơn vị này có liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Căn cứ của đề nghị này, theo ông Lý, là do ở nước ta hiện nay, bên cạnh các cơ quan nhà nước thì nhiều tổ chức được giao thực hiện chính sách, dự án lớn của Nhà nước có các hoạt động liên quan đến quyền của công dân như dự án xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ học nghề và tạo việc làm hoặc tiếp nhận quản lý khoản viện trợ của nước ngoài. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các trường học, bệnh viện có thu viện phí, học phí, có tuyển dụng viên chức, người lao động; nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và thực hiện các chương trình, đề án lớn của Nhà nước... Những thông tin này cũng rất cần công khai, minh bạch để công dân tiếp cận nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và lợi ích hợp pháp của nhà nước. Hiện nay, trong Luật Phòng, chống tham nhũng cũng đã quy định mở rộng đến các chủ thể này.
Theo Anh Phương (SGGP)