Mô hình tổ đoàn kết sản xuất: Giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các phương tiện đánh bắt, việc đầu tư khai thác theo hướng mở rộng ngư trường, vươn ra khơi xa cũng được đẩy mạnh. Trên các vùng khơi xa, những ngư dân hàng ngày bám biển mưu sinh luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm. Việc hình thành các tổ đoàn kết sản xuất trên biển giúp ngư dân yên tâm hơn trong hoạt động đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Kinh tế biển, đặc biệt là kinh tế thủy sản được xem là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh ta, có bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Toàn tỉnh có trên 7.000 tàu cá, trong đó có gần 3.200 tàu cá trên 90 CV khai thác xa bờ, với gần 5 vạn ngư dân có truyền thống và kinh nghiệm đánh bắt, khai thác thủy sản trên cả ba tuyến bờ, lộng, ở trên tất cả các ngư trường trọng điểm trong và ngoài tỉnh.
Tàu cá neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn.
Sản lượng đánh bắt bình quân toàn tỉnh đạt 190 ngàn tấn thủy sản các loại/năm với giá trị hàng trăm tỉ đồng; riêng năm 2015 đạt trên 200 ngàn tấn. Điều đáng nói là trong thời gian qua, tàu cá của ngư dân tỉnh ta hoạt động đánh bắt xa bờ thường gặp các sự cố như hỏng máy móc, thiếu hụt nhiên liệu, bị tàu Trung Quốc và một số nước lân cận tấn công, đối mặt với bão tố và các tình huống xấu khác, dẫn đến bị thiệt hại về người và tài sản. Trước tình hình này, qua công tác tuyên truyền, hướng dẫn của ngành chức năng, bà con ngư dân đã tự hình thành những tổ, đội sản xuất tập thể để hỗ trợ nhau trong khai thác, đánh bắt trên biển.
Đến nay, ngư dân các xã ven biển trên địa bàn tỉnh đã thành lập 449 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 1.818 tàu cá tham gia. Trong đó, TP Quy Nhơn có 42 tổ với 163 tàu; huyện Phù Cát 67 tổ - 302 tàu; huyện Phù Mỹ 56 tổ - 236 tàu; huyện Hoài Nhơn 284 tổ - 1.117 tàu. Ngoài ra, tại huyện Hoài Nhơn đã thành lập 1 HTX khai thác thủy sản với 6 tàu cá của ngư dân tham gia HTX.
Sự phát triển các tổ đoàn kết sản xuất trên biển gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá, bao gồm việc thu mua hải sản từ các tàu thuyền của ngư dân đang đánh bắt ở ngư trường rồi vào bờ bán lại; cung cấp nhiên liệu, nước đá, lương thực, thực phẩm… có lợi cho cả đôi bên. Phía ngư dân, do sản lượng ít nên bán tại chỗ để vừa khỏi mất công sức và thời gian chạy vào bờ, vừa khỏi tốn nhiên liệu. Phía người mua thì gom lại sản phẩm với giá rẻ hơn từ nhiều tàu cá đang đánh bắt trên biển cho đủ chuyến rồi vào bờ bán lại kiếm lời.
Theo anh Đỗ Ngọc Giàu, chủ tàu BĐ 30435 TS ở thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, chuyên làm nghề thu mua trên biển Đề Gi: “Hiện nay nghề thu mua và làm dịch vụ cung ứng, mua bán, trao đổi giữa biển khơi là vô cùng cần thiết, có lợi cả đôi bên. Người mua với giá rẻ hơn, thu gom nhiều hải sản vào bờ bán lại ăn chênh lệch, đồng thời còn có cả lợi nhuận từ dịch vụ hậu cần; bên bán giảm đáng kể chi phí nguyên liệu chạy tàu vào, ra; giảm sự cố hư hỏng tàu, có thêm thời gian để hoạt động đánh bắt trên biển”.
Anh Nguyễn Công Quý, chủ tàu BĐ 93406 TS ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, chuyên làm dịch vụ hậu cần nghề cá với việc thu mua cá trên biển, cho biết thêm: “Với chiếc tàu 196 CV, tui thuê 4 người đi bạn, tiền công 5 triệu đồng/tháng (20 ngày)/người; trừ chi phí tui có thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng”.
Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết: “Hiện toàn xã có 412 tàu cá, tổng công suất 46.175 CV. Địa phương đã thành lập được 33 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển với 139 tàu tham gia; mỗi tổ có từ 3 - 12 tàu hoạt động cùng ngư trường, thay phiên vận chuyển sản phẩm vào bờ. Trong năm 2015, từ khi giai đoạn 2 khu dịch vụ hậu cần nghề cá của cảng cá Đề Gi được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng, lượng tàu thuyền ra vào cảng 50-70 chiếc/ngày. Trên địa bàn xã hiện có trên 100 cơ sở thu mua, chế biến hải sản; sửa chữa và đóng mới tàu thuyền; kinh doanh xăng dầu, ngư lưới cụ, nước ngọt sinh hoạt..., góp phần giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương và vùng phụ cận”.
ĐINH VĂN TOẠI