Quản lý, bảo vệ rừng: Vẫn còn nhiều khó khăn, hiệu quả thấp
Ông Huỳnh Ngọc Bảo.
Tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh ta có dấu hiệu gia tăng. Dự báo dịp Tết Nguyên đán là thời điểm nguy cơ phá rừng và cháy rừng rất lớn. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (KL) (Sở NN&PTNT), về vấn đề này.
* Xin ông cho biết, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở tỉnh ta đang có chiều hướng gia tăng là do dâu?
- Nguyên nhân của việc khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép, chặt phá rừng phòng hộ, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua diễn biến phức tạp là do lợi nhuận mang lại của một số loại lâm sản quý như gỗ huỳnh đàn, trắc, sưa… khá lớn nên thu hút nhiều người tham gia. Nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu giấy, gỗ của người dân hiện nay rất lớn và đang bộc phát ở nhiều địa phương.
Trong khi đó, việc quản lý đất lâm nghiệp của chính quyền các cấp còn yếu, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, phương án giao đất lâm nghiệp của ngành chức năng chưa đáp ứng kịp với tình hình thực tế. Diện tích rừng được giao cho các Công ty TNHH Lâm nghiệp, BQL rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tương đối lớn, trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ rừng của các đơn vị này còn hạn chế. Việc xử lý vi phạm của chính quyền cấp xã đối với việc lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp không kiên quyết, thường xuyên, liên tục.
* Ngành KL đã ký kết quy chế phối hợp giữ rừng với các ngành liên quan, vậy mà tình trạng phá rừng vẫn còn nhiều, trong đó có những vụ phá rừng rất nghiêm trọng như ở khu vực Đá Lếch (Trại Thành) và hố Bầu Lâu, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân gần đây. Phải chăng công tác phối hợp giữ rừng còn lỏng lẻo?
- Nhìn chung, quy chế phối hợp giữa lực lượng KL với các ngành liên quan như công an, quân sự, chủ rừng thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, vẫn còn một số địa phương, ngành vào cuộc chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, thiếu kiểm tra đôn đốc; xử lý chưa kiên quyết các vụ vi phạm phá rừng. Vì vậy, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở một số nơi vẫn còn xảy ra. Riêng các vụ phá rừng mới đây ở huyện Hoài Ân, Phù Cát, trong quý I.2016, ngành chức năng sẽ tập trung giải quyết dứt điểm.
Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, dự báo tình hình phá rừng, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản sẽ gia tăng.
- Trong ảnh: Một trường hợp vận chuyển gỗ trái phép tại địa bàn xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân (10.2015).
* Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm nguy cơ phá rừng, khai thác, mua, bán, vận chuyển trái phép lâm sản khá cao. Vậy Chi cục KL tỉnh có biện pháp gì ngăn chặn các vi phạm?
Năm 2015, các Hạt KL và Đội KL cơ động và PCCCR đã xử lý hành chính 403 vụ vi phạm Luật Bảo vệ - phát triển rừng. Qua đó, tịch thu gần 306m3 gỗ các loại, 3.370 kg than hầm, 28 máy cưa xăng cầm tay… thu nộp vào ngân sách Nhà nước gần 7,3 tỉ đồng.
- Để tăng cường quản lý, bảo vệ rừng dịp Tết năm nay, bên cạnh sự điều động, tăng cường bố trí thêm lực lượng cho các địa phương, Chi cục còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để chỉ đạo, đôn đốc các chủ rừng bảo vệ rừng tận gốc, thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết để chủ động phòng, chống cháy rừng. Bên cạnh việc tuần tra sâu vào rừng, cần luân phiên bố trí lực lượng, phương tiện túc trực tại các điểm “nóng”, sử dụng có hiệu quả tai mắt của nhân dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng chặt phá, vận chuyển lâm sản trái phép.
Bên cạnh đó, Hạt KL thường xuyên mở các đợt truy quét các đối tượng phá rừng và ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Vân Canh... Xử lý nghiêm, đúng pháp luật các trường hợp mua, bán lâm sản trái phép. Chi cục sẽ thành lập các chốt kiểm tra lâm sản tại địa bàn trọng điểm và các trục đường đối tượng thường xuyên vận chuyển lâm sản trái phép.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)