Chương trình Mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015: Thành công và thách thức
Khép lại Chương trình Mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015, nhiều chỉ tiêu dân số quan trọng đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Song, vẫn còn đó không ít khó khăn, thách thức.
Theo thống kê của Sở Y tế, trong giai đoạn 2011-2015, Chương trình Mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, như tỉ suất sinh thô giảm 0,4‰; tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 3,2%; cơ bản đạt gần mức sinh thay thế (năm 2011 là 2,19 con; năm 2015 là 2,2 con). Đáng kể nhất là giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015 nhận Bằng khen của UBND tỉnh.
“Khống chế” chênh lệch nam/nữ
Qua cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Bình Định cũng như cả nước đã xuất hiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Từ đó, các biện pháp can thiệp bắt đầu được quan tâm, đặc biệt là Đề án Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Năm 2010, tỉ số giới tính khi sinh của Bình Định là 113,1; đến năm 2015 giảm còn 112,0. Như vậy, qua 5 năm, Bình Định đã giảm được 1,1 điểm, bình quân mỗi năm giảm được 0,55 điểm. Trong khi đó, cả nước tăng 1,9 điểm, bình quân mỗi năm tăng gần 0,31 điểm.
“Không phải dễ dàng gì để kéo được đà gia tăng của chênh lệch nam/nữ, biểu hiện cụ thể qua tỉ số giới tính khi sinh. Để đạt được kết quả này, phải kể đến nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền”, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Văn Quang khẳng định.
Bên cạnh đó, cũng cần phải kể đến những chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng về các vấn đề DS-KHHGĐ. Trong nhân dân, quan niệm về hôn nhân và sinh đẻ đã chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng có nhiều người đẻ thưa, đẻ ít, nắm được các kiến thức và kỹ năng về nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Tỉ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại từ 48% năm 1994 đã tăng lên 83,8% vào năm 2014.
Khống chế được tỉ số giới tính khi sinh là thành công nổi bật của công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015.
Không được thỏa mãn
Có một thực tế đáng lo ngại là công tác DS-KHHGĐ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều địa phương hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra sớm hơn dự kiến, nên một bộ phận cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể thỏa mãn với thành tích, buông lỏng trong lãnh đạo và điều hành. Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho hay, nhiều địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ tính chất khó khăn, phức tạp sẽ xảy ra trong công tác DS-KHHGĐ. Một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên nhận thức chưa tốt, vi phạm chính sách DS-KHHGĐ nhưng chưa được xử lý nghiêm minh, dẫn đến tác động xấu đến quá trình vận động thực hiện công tác này trong nhân dân.
Càng đáng lo ngại hơn khi nhiều vấn đề tồn tại dai dẳng trong lĩnh vực DS-KHHGĐ vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, tiêu biểu là tình trạng tảo hôn trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Tình trạng này đặc biệt phức tạp ở huyện Vân Canh - nơi có hơn 40% dân số là người dân tộc thiểu số. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2011-2015, toàn huyện có 169 trường hợp tảo hôn. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ huyện Vân Canh, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện xảy ra chủ yếu ở nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Kết hôn sớm là thói quen trong lối sống, tập tục sinh hoạt của người dân tộc Chăm, Bana. Tình trạng kết hôn ở độ tuổi 13-15 thường xảy ra ở Canh Liên, Canh Hòa, Canh Thuận, Canh Hiệp và một số làng đồng bào ở thị trấn Vân Canh.
Một số chỉ tiêu cụ thể của công tác DS-KHHGĐ đến năm 2020: tốc độ tăng dân số ở mức 1%, tỉ suất sinh đạt 2,1 con, quy mô dân số không vượt quá 1,65 triệu người, tỉ suất sinh thô còn 15,4‰, tỉ số giới tính khi sinh không vượt quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái…
Thêm một thách thức lớn là hiệu quả của Đề án sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh chưa như mong đợi. Năm 2015, cả tỉnh chỉ có 1.513 trẻ được sàng lọc sơ sinh, chiếm 6,3% số trẻ sinh ra sống. Sàng lọc trước sinh còn thấp hơn, chỉ vỏn vẹn 246 người, chiếm 1% số thai phụ. An Lão là 1 trong số ít địa phương tích cực triển khai, luôn vượt chỉ tiêu được giao; sàng lọc trước sinh năm 2015 đạt 171% chỉ tiêu, sàng lọc sơ sinh đạt 111,8% chỉ tiêu. Tuy nhiên, ngay cả với trường hợp điển hình này vẫn không tránh khỏi những rào cản.
Theo Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện An Lão Từ Thị Hà, khi có kết quả sàng lọc nguy cơ lần 1, người dân muốn đi làm xét nghiệm chẩn đoán lại lần 2 nhưng chưa có nơi làm dịch vụ trong tỉnh để tiện đi lại, giảm chi phí sinh hoạt. “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh đòi hỏi cán bộ tuyên truyền phải có hiểu biết. Tuy nhiên, kiến thức và kỹ năng tuyên truyền tư vấn của đội ngũ cộng tác viên và nhân viên y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, tư vấn của đối tượng, dù được tập huấn hằng năm. Thậm chí, có trường hợp tư vấn chưa đầy đủ, thiếu thông tin gây hoang mang, lo lắng cho người dân, nhất là các trường hợp sàng lọc lần 1 cho kết quả nguy cơ cao”, bà Hà thẳng thắn nói.
NGUYỄN VĂN TRANG