Phù Cát: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Năm 2016, huyện Phù Cát phấn đấu đưa tổng sản phẩm địa phương tăng trên 13%; giảm tỉ trọng nông nghiệp còn 30,6%, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 6,5%; tổng sản lượng lương thực đạt 101.640 tấn, giá trị 1 ha canh tác đạt 107,8 triệu đồng, bình quân thu nhập đầu người toàn huyện đạt 33,5 triệu đồng/năm.
Ông Vũ Quốc Bảo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết: Năm 2016, triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết XXI Đại hội Đảng bộ huyện về phát triển toàn diện ngành nông nghiệp, gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2016-2020, huyện xây dựng các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện trên tất cả các lĩnh vực; tập trung ứng dụng tiến bộ KHKT; thực hiện tái cơ cấu các lĩnh vực còn hạn chế, nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
Mua bán hải sản ở cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh - Phù Cát.
Theo đó, toàn huyện ổn định diện tích sản xuất lúa 16.000 ha, năng suất bình quân 60 tạ/ha. Tiếp tục chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang sản xuất 2 vụ lúa/năm khoảng 1.600 ha; chuyển sản xuất 2 vụ lúa 1 vụ màu, 2 vụ màu 1 vụ lúa trên diện tích 1.500 ha; chuyển đổi cơ cấu cây trồng 2.200 ha, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước chuyển từ mục tiêu sản lượng sang giá trị sản lượng, thông qua các hình thức xen canh, luân canh. Đẩy mạnh sản xuất cánh đồng mẫu lớn; cánh đồng lớn (CĐL); mở rộng diện tích các loại cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao; thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp, bảo đảm từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Năm 2016, huyện đã ký kết hợp đồng sản xuất liên kết theo chuỗi trên 5 CĐL sản xuất cây trồng cạn và CĐL sản xuất lúa giống ở các xã: Cát Trinh, Cát Hanh, Cát Hiệp và Cát Tài, trên diện tích gần 1.000 ha. Trong đó, CĐL sản xuất lúa giống ở Cát Hanh được ký kết ổn định từ 3 đến 5 năm với Công ty Giống TBT (tại tỉnh Quảng Ngãi), nhằm sản xuất bền vững, ổn định đầu ra nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá.
Tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại và gia trại, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, phát triển chăn nuôi công nghiệp cao nhằm bảo đảm cho cạnh tranh, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường nông thôn; phấn đấu tổng đàn trâu bò có hơn 54.300 con, trong đó bò lai đạt 90% tổng đàn; đàn heo hơn 90.000 con và hơn 1,3 triệu con gia cầm.
Đẩy mạnh thực hiện Nghị định 67/CP về một số chính sách phát triển thủy sản, phấn đấu đến cuối năm 2016 có trên 30 trường hợp được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá công suất lớn. Tiếp tục thực hiện Nghị định 48 đối với tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhằm khuyến khích ngư dân nâng cao sản lượng khai thác lên 35.000 tấn/năm, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 650 ha, ứng dụng nuôi công nghệ cao để đạt sản lượng 1.200 tấn.
Về diêm nghiệp, bên cạnh ổn định sản xuất 77 ha ruộng muối, huyện phối hợp với Công ty cổ phần Muối Bình Định cùng Chi cục Phát triển nông thôn, xã Cát Minh và bà con diêm dân tổ chức CĐL thực hiện theo chuỗi sản xuất muối sạch trên ruộng trải bạt với diện tích 5 ha tại thôn Đức Phổ 2.
Đi đôi với thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, huyện Phù Cát dồn sức thực hiện Chương trình XDNTM, phấn đấu đến cuối năm 2016 có thêm 2 xã là Cát Hanh và Cát Tân đạt chuẩn NTM; các xã còn lại đạt thêm 2 đến 3 tiêu chí, quyết tâm đến năm 2019 huyện Phù Cát đạt chuẩn huyện NTM.
HOÀI TRUNG