Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”:
Thiết thực nâng cao kiến thức, kỹ năng làm mẹ
Thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” (gọi tắt là Đề án 704), giai đoạn 2010 - 2015, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xây dựng mô hình điểm... Bước đầu, các gia đình ở những xã thí điểm (Nhơn Lộc, TX An Nhơn và Bình Nghi, huyện Tây Sơn) đã có sự chuyển biến rõ nét trong cách nuôi, dạy con, đặc biệt là kỹ năng nuôi dạy con dưới 16 tuổi.
Buổi sinh hoạt của CLB phụ nữ tại huyện An Lão.
Từ xây dựng mô hình điểm...
Triển khai Đề án 704, Hội LHPN xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn tổ chức khảo sát kiến thức, nhu cầu nuôi, dạy con của các ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi trong toàn xã. Chị Nguyễn Thị Vinh Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã, chia sẻ: “Toàn xã có 1.509 gia đình có con từ 0 đến 16 tuổi. Từ khi được chọn làm xã điểm thực hiện Đề án 704, toàn xã thành lập được 1 CLB “Gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, 1 CLB “Gia đình hạnh phúc”, 12 mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch” và “Phụ nữ không sinh con thứ 3”, mô hình “Chi hội tự quản về ANTT”. Không khí các buổi sinh hoạt CLB, mô hình ở xã khá sôi nổi vì nội dung thiết thực với các thành viên”.
Chị Nguyễn Thị Hằng, 21 tuổi, ở thôn Tráng Long cho biết: “Khi tham gia CLB “Gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, tôi được các cô, các chị chia sẻ rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm về cách chăm sóc trẻ sơ sinh, chế độ ăn uống để đảm bảo sức khỏe cho hai mẹ con thời kỳ mang thai... Đây là lần mang thai đầu tiên, tôi không tránh khỏi tâm lý lo lắng, nhưng với những kiến thức đã học hỏi được, tôi cảm thấy yên tâm hơn”. Ngoài ra, các chị em cũng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm dạy con tuổi vị thành niên bằng hàng loạt câu hỏi đặt ra như: Lợi và hại khi dùng biện pháp mạnh để dạy con? Khi con đã đến tuổi vị thành niên, cha mẹ cần phải làm gì? Những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể trẻ em? Làm thế nào để dạy con chăm ngoan, học giỏi?...
Còn tại huyện Tây Sơn, Hội LHPN huyện không chỉ tập trung xây dựng mô hình điểm ở xã Bình Nghi mà thành lập được 8 CLB “Gia đình hạnh phúc”, 8 CLB “Phụ nữ nuôi con khỏe, dạy con ngoan” và “Gia đình không có con vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội và bỏ học”. Phần lớn thành viên các CLB là phụ nữ, trẻ em sống ở các xã thuần nông, ít có điều kiện tiếp cận các thông tin về nuôi dạy con cái, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, vì vậy việc tham gia CLB đã giúp họ hiểu biết hơn về những vấn đề cơ bản như: kết hôn, bình đẳng giới, sự phát triển của cơ thể bé gái, quan hệ với bạn khác giới...
Thay vì tuyên truyền suông từ văn bản, thông qua các hoạt động văn nghệ, trò chơi, những mô hình, các CLB đã lồng ghép các nội dung như chăm sóc SKSS, tìm hiểu tâm lý lứa tuổi dậy thì, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và cách phòng tránh, các biện pháp tránh thai, cách chia sẻ, tâm sự với con tuổi mới lớn…, từ đó thực sự trở thành địa chỉ tin cậy, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các bà mẹ, tạo sự gắn kết giữa mẹ và con gái.
Tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho phụ nữ và trẻ em gái ở huyện An Lão.
... đến đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động
Ngoài 2 xã điểm trên, Hội LHPN tỉnh cũng chỉ đạo Hội LHPN 11 huyện, thị xã, thành phố khảo sát nắm tình hình, thực trạng nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em tại địa phương làm cơ sở cho công tác tuyên truyền Đề án 704 với nhiều hình thức phong phú.
Trong đó, tập trung truyền thông lồng ghép vào các chương trình, hoạt động của ngành, đoàn thể như “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội LHPN tỉnh; chương trình “Tăng cường truyền thông lồng ghép và cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình” của ngành Y tế, hay Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, chương trình xây dựng nông thôn mới…
Trong 5 năm triển khai thực hiện Đề án, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đều tranh thủ các nguồn lực, tích cực triển khai, tuyên truyền Đề án bằng nhiều hình thức đa dạng như: tổ chức 44 lớp truyền thông; các hội thi “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Kiến thức mẹ, sức khỏe con”; tổ chức 34 buổi tọa đàm “Nuôi và giáo dục trẻ vị thành niên”. Nhiều đơn vị có cách làm truyền thông mới như huyện Tây Sơn tổ chức 19 buổi truyền thông trực tiếp cho hơn 1.450 ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi; TP Quy Nhơn lồng ghép giáo dục giới tính cho hơn 15.300 trẻ vị thành niên là học sinh THCS; huyện An Lão thành lập CLB “Phụ nữ không uống rượu say”…
Chị Phạm Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định, đây là Đề án có ý nghĩa rất thiết thực, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như nâng cao kiến thức cho người dân về nuôi, dạy và chăm sóc con cái. Tuy nhiên, cần khắc phục những hạn chế như: phạm vi triển khai đề án còn hẹp; hoạt động chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền; một số mô hình hay chưa thể nhân rộng và thu hút sự tham gia của nhiều ông bố.
CÔNG HIẾU