“Hậu” cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Đường dài chưa hết gian nan
Đến đầu năm 2015, Bình Định đã chính thức về đích lộ trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với 50 DN được cổ phần hóa (CPH). Đã có những chuyển biến bước đầu về quản trị DN lẫn hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD); song CPH DNNN vẫn đang đặt ra khá nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Chiều 14.1, tại Hội nghị tổng kết công tác CPH DNNN giai đoạn 2012-2015, Ban Đổi mới và Phát triển DN (ĐM&PTDN) tỉnh cho biết, tổng số tiền thu về từ các đơn vị này hơn 152 tỉ đồng. Về tổng quan, CPH tại Bình Định đã đảm bảo tiến độ, song chặng đường “hậu” CPH cũng còn lắm gian nan.
Chuyển biến tích cực
Công tác CPH DNNN đã đạt mục tiêu chuyển đổi DN mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn sang loại hình DN có nhiều chủ sở hữu; huy động vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý. Công tác quản trị DN tại một số đơn vị có sự chuyển biến đáng kể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đông Hải (thứ 3 từ phải sang) trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 5 DN có thành tích xuất sắc trong công tác CPH DNNN.
SXKD hiệu quả là một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra thời “hậu” CPH. “CPH như một “phép thử” khi các DN bộc lộ rõ những ưu điểm, hạn chế, tồn tại trên “sân chơi” bình đẳng trong cộng đồng DN. Nhiều DN đã có sự chuyển biến tích cực trong hoạt động SXKD, đầu tư trang bị thêm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất” - ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài chính, Phó trưởng Ban ĐM&PTDN tỉnh, cho biết.
Điển hình cho những chuyển biến đó là trường hợp của Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar). Từ năm 2012, Bidiphar đã CPH một loạt đơn vị thành viên. Đến tháng 3.2014, sau khi tái cơ cấu công ty mẹ, Bidiphar đã hoàn tất chuyển đổi và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần mới, với vốn điều lệ 268,6 tỉ đồng, Nhà nước chiếm giữ 65% vốn điều lệ. Bidiphar đã chú trọng xây dựng phương án hoạt động đảm bảo tính khả thi sau tái cơ cấu, đảm bảo tính hiệu quả hoạt động của DN. Các đơn vị trực thuộc sau CPH đều tăng trưởng cao. Với công ty mẹ, sau gần 2 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, kết quả SXKD tăng trưởng đáng kể. Sản lượng sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 25%/năm, doanh thu tiêu thụ tăng trưởng bình quân 10%/năm, bảo đảm việc làm cho toàn bộ người lao động, tiền lương tăng 10%, cổ tức cho cổ đông từ 12-15%...
Ông Nguyễn Văn Quá, Tổng Giám đốc Bidiphar, nhận định: “CPH đã tác động tích cực và toàn diện đến quá trình SXKD của Bidiphar. Việc CPH đã tạo ra DN đa sở hữu, huy động tối đa nguồn lực xã hội, tạo ra cơ chế năng động và linh hoạt, bộ máy quản lý tinh giản, gọn nhẹ, thực sự là đại diện cho cổ đông. DN được chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị phù hợp với yêu cầu SXKD; đồng thời tạo điều kiện cho người lao động thực sự làm chủ DN”.
“Hậu” CPH: Cần quyết liệt hơn
Đến hết năm 2015, trong số 10 DNNN thực hiện CPH giai đoạn 2012-2015, số DN do Nhà nước còn nắm giữ cổ phần chi phối đến 8 đơn vị, với tổng số vốn 545,451 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 61,4% trên tổng vốn điều lệ. Trong khi đó, số DN đã thực hiện CPH nhưng chưa bán đủ vốn nhà nước theo tỉ lệ đã được phê duyệt tại phương án CPH có đến 5 đơn vị, với tổng số vốn chưa bán hết theo phương án là 113,361 tỉ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc, mặc dù đảm bảo được tính đa sở hữu nhưng theo phương án CPH được duyệt thì sau khi chuyển sang cổ phần, nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối tại các DN, do vậy không thu hút được các nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, mục tiêu cơ bản của CPH là đa dạng hóa sở hữu, chuyển DNNN thành DN cổ phần với cấu trúc quản trị hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các DN sau khi CPH, cơ cấu vốn nhà nước vẫn chiếm tỉ trọng lớn; công tác quản trị DN vẫn áp dụng các phương thức, biện pháp quản trị như DNNN trước đây, tức chưa có sự chuyển biến rõ nét trong quản trị điều hành hoạt động SXKD của DN.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn An Điềm, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty PISICO, cũng cho rằng, bản thân từng DN cũng chuyển biến theo CPH còn chậm. Bên cạnh đó là tồn tại từ tư tưởng, cách điều hành và giải quyết các vấn đề của các sở, ban, ngành vẫn xem DN đã được CPH như DNNN.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đông Hải, Trưởng ban ĐM&PTDN tỉnh, cho rằng, không thể nói thực hiện CPH DNNN nghĩa là sau “một đêm” chúng ta “thay máu” được toàn bộ vấn đề từ điều hành quản lý của chủ DN đến lực lượng lao động. Và, lộ trình CPH hoàn thành, không có nghĩa là tỉnh ta đã xong cả một quá trình ĐM&PTDN.
Không thể nói thực hiện CPH DNNN nghĩa là sau “một đêm” chúng ta “thay máu” được toàn bộ vấn đề từ điều hành quản lý của chủ DN đến lực lượng lao động. Và, lộ trình CPH hoàn thành, không có nghĩa là tỉnh ta đã xong cả một quá trình ĐM&PTDN
Đồng chí NGÔ ĐÔNG HẢI - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ĐM&PTDN tỉnh
“Cần tháo gỡ từng bước một những khó khăn về quản trị DN, năng lực điều hành. Phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn với CPH. Để tạo thuận lợi cho các DN đứng vững trên thị trường, cần tiếp tục triển khai mạnh hơn, xa hơn hoạt động thoái vốn, về thu hút đầu tư, cơ chế chính sách hỗ trợ cho các DN sau CPH. Đặc biệt, 6 DN công ích cần có cơ chế hoạt động hết sức rõ ràng: từ cơ chế đặt hàng của Nhà nước đến đâu, trách nhiệm tự lực của DN đến đâu, cơ chế hỗ trợ đến đâu...” - Phó Chủ tịch Ngô Đông Hải đặt vấn đề.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đông Hải xác định: Chủ trương chung là tiếp tục thoái vốn, nhưng không phải bằng mọi giá mà phải có cách làm phù hợp với thực tế. Với các trường hợp khó, cần đầu tư thêm để đủ lực, nâng cao hiệu quả SXKD, quản trị DN, đến thời điểm cần thiết tiếp tục thoái vốn. Với các DN hoạt động hiệu quả, cần tạo điều kiện để DN chủ động kêu gọi đầu tư thông qua bán phần vốn nhà nước. Cũng cần phải nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và từng DN trong quá trình triển khai hậu CPH DNNN. Đồng thời, sắp xếp lại hệ thống DN cho phù hợp, thậm chí mạnh hơn, quyết liệt hơn, có tầm nhìn rộng hơn, xa hơn để có bước đột phá trên thị trường. Nhận thức của các cơ quan nhà nước trong hỗ trợ và can thiệp vào quá trình này cũng phải dần thay đổi.
THU HIỀN