Điện ảnh Việt Nam: Bao giờ cho đến... ngày xưa?
Nền điện ảnh nước nhà đang phải loay hoay giải bài toán làm sao để có phim vừa có chất lượng nghệ thuật vừa thu hút khán giả.
"Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" là bộ phim kinh điển được sản xuất trong điều kiện rất khó khăn (ảnh tư liệu)
Nghịch lý đáng buồn
60 năm đã trôi qua kể từ khi Bác Hồ đặt bút ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam, điện ảnh nước nhà giờ đây rơi vào tình trạng tưởng chừng như vô lý. Đó là nền điện ảnh đã bắt đầu bằng những mốc son huy hoàng, những tác phẩm để đời, được xếp vào hàng kinh điển như: Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bài ca ra trận, Bao giờ cho đến tháng mười, Cánh đồng hoang, Con chim vàng khuyên, Em bé Hà Nội…
Đó cũng là những năm tháng khó khăn gian khổ khi đất nước trải qua chiến tranh và những ngày hậu chiến, ngổn ngang những hậu quả chiến tranh để lại. Còn trong 20 năm trở lại đây, khi điều kiện sống của người dân, điều kiện để sản xuất phim đã tốt lên rất nhiều thì lại không có được những bộ phim để đời như trước.
Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng nêu vấn đề: “Phải chăng thế hệ những người làm điện ảnh Việt Nam hôm nay chưa hoàn thành trách nhiệm, chưa thực sự phát huy nền tảng để kế tục sự nghiệp của thế hệ trước?”
Về nguyên nhân của tình trạng này, đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân và đạo diễn - NSƯT Vương Đức đều cho rằng ở thời kỳ đầu tiên ấy, các nghệ sỹ đều có lý tưởng, mục đích rất rõ ràng. Họ chỉ đi theo một con đường là làm nghệ thuật vì nhân dân, vì đất nước và trong một thời đại lớn với những xúc cảm lớn đã cho ra đời những tác phẩm thành công. Còn giờ đây đội ngũ những người làm phim có sự phân tâm giữa nhiều con đường: Làm phim để giải trí, kinh doanh, làm phim nghệ thuật, làm phim để tham dự liên hoan phim quốc tế, vươn tới ngang bằng khu vực. Theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân thì sự phân tâm đó khiến cho chúng ta chưa có được những giá trị lớn.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng cho rằng các nhà làm phim hiện chưa giải mã được về khát vọng, lý tưởng, đời sống tinh thần của cuộc sống đương đại nên chưa có bộ phim nào thật sự tiêu biểu cho giai đoạn này.
Thiếu tiền, thiếu rạp hay thiếu tâm huyết?
Có sự khác biệt khá lớn trong ý kiến của những người làm phim nhà nước và người làm phim tư nhân về việc điện ảnh Việt Nam thiếu những gì để có thể cho ra đời những tác phẩm vừa có giá trị nghệ thuật, vừa có sức thu hút công chúng mạnh mẽ. Song nhìn vào đó có thể thấy dù là phim nhà nước hay tư nhân thì cũng đều đang phải đối mặt với những bài toán khó khăn.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân quan niệm rằng trong một nền điện ảnh tất yếu sẽ tồn tại những dòng phim khác nhau, chủ yếu là: phim thương mại mang tính chất giải trí và phim nghệ thuật. Phim nghệ thuật thì phải chấp nhận việc có ít số lượng khán giả hơn so với phim giải trí. Ngoài chuyện thu tiền thì những phim nghệ thuật còn dùng để giao lưu văn hóa, tham dự các liên hoan phim quốc tế. Đó là cách quảng bá văn hóa,đất nước, du lịch, con người Việt Nam. Vì thế, theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân thì không nên quá tập trung vào việc thu bao nhiêu tiền.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và đạo diễn Vương Đức đều nhấn mạnh việc các hãng phim Nhà nước đang thiếu kinh phí trầm trọng để đầu tư cho các tác phẩm nghệ thuật của mình. Còn đội ngũ những người làm phim, theo hai ông, vẫn còn nhiều người có tài có tâm huyết, song trong khoảng 10 năm tới sẽ có những khoảng trống khó lường.
Còn theo NSƯT Nguyễn Chánh Tín, giám đốc hãng phim Chánh Phương, một hãng phim tư nhân thì cái thiếu lớn nhất của điện ảnh nước nhà hiện tại không phải là tiền mà là một hệ thống rạp đủ nhiều và đủ mạnh để các nhà sản xuất phim trong và ngoài nước mạnh dạn đầu tư làm phim có chất lượng. Ông lý giải rằng vì hệ thống rạp của chúng ta hiện có chưa tới 100 rạp nên các nhà làm phim buộc phải làm phim câu khách, thu hút khách đến nhiều trong một thời gian ngắn.
Là một diễn viên, đạo diễn, chủ hãng phim, NSƯT Nguyễn Chánh Tín cho rằng phải kết hợp được cả hai yếu tố: thu hút khán giả và phim có chất lượng nghệ thuật cao, chứ phát triển theo một hướng thì đều có những thiếu sót.
Về chính sách đấu thầu phim dùng kinh phí nhà nước có thể sắp ra đời, NSƯT Nguyễn Chánh Tín đánh giá đó là việc làm chuyên nghiệp và tốt cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà. Song NSND Nguyễn Thanh Vân thì âu lo rằng Hãng phim truyện Việt Nam sẽ không thích ứng kịp nếu sự chuyển mình này không có một lộ trình thích hợp. Vì thế, theo ông, cần phải trang bị cho Hãng những điều kiện nhất định như đầu ra cho sản phẩm, cách duy trì sự tồn tại của hãng thì mới nên có sự cạnh tranh giữa các hãng phim như vậy.
Tuy có nhiều khác biệt trong cái khó của việc làm phim, cả ba nghệ sỹ gạo cội đều cho rằng Điện ảnh Việt Nam đều đang thiếu sự đào tạo đội ngũ kế tiếp một cách bài bản, chuyên nghiệp. Bên cạnh nỗi lo về việc thiếu hụt tiền, rạp, cơ chế phù hợp còn là nỗi lo thiếu vắng nhân tài trong tương lai.
Trong lúc chờ đợi nền điện ảnh nước nhà giải quyết được những khó khăn chồng chất và đầy mâu thuẫn này, khán giả đành phải tiếp tục hy vọng và ao ước "bao giờ cho đến...ngày xưa"?.
. Theo VOV