VỊ CỦA QUÊ NHÀ
Món quê nhà nội
Mùng hai tháng Chạp là ngày chạp mả của dòng họ. Dẫu bận đến mấy, năm nào chị em tôi cũng về quê nội để chạp mả. Thi thoảng, nếu thu xếp được việc học của sắp nhỏ, tôi cũng dẫn các con về quê nhân dịp này hoặc những ngày giỗ lớn của dòng họ để chúng biết tổ tiên, nguồn cội.
Món cúng quê nội, từ nhà chú, nhà bác đến nhà cô của tôi, bao giờ cũng có đĩa củ mì, củ lang um với nước dừa hoặc xào với thịt heo; đĩa cá ngừ kho ngót, cá ngừ xốt cà chua hoặc cá tràu nấu ám theo đúng kiểu quê. Cuộc sống giờ đã đủ đầy, các món cao lương mỹ vị không thiếu nhưng khi cúng con cháu đều làm các thứ, món mà ngày xưa lúc sinh thời ông bà, tổ tiên vẫn dùng. Bên cạnh các món thịt thà, nem chả, trông các thức, món ấy thực quê mùa, món ăn thường ngày ở quê có gì lạ, nhưng riêng với tôi lại ngon đến lạ.
Cá ngừ kho - món cúng không thể thiếu trong những ngày cúng - giỗ của họ nhà tôi.
Hôm rồi về chạp mả, thằng em họ gắp cho tôi miếng cá tràu nấu ám, giới thiệu: “Cá em đi câu đó chị, tự tay em làm. Chị nếm thử”. Nhìn con cá tràu rim cong mình, vàng ruộm, cứng mình bởi qua nhiều công đoạn nướng - chiên sơ rồi rim nước mắm, chưa ăn đã thấy bắt thèm. Chẳng thế mà, lần nào đám giỗ về mấy đứa em biết ý đều cố ý để dành vài con cá kho vào làm quà cho mẹ tôi - vốn ghiền món này từ lúc mới về làm dâu. Cá tràu nấu ám ăn với cơm trắng là ngon đúng bài. Nghĩ cũng lạ những đứa em con ông chú tôi rặt nông dân, quanh năm trùng trục phơi lưng ngoài đồng ruộng, dáng vẻ lực điền ấy vậy mà lại là những tay bếp thiệt sự, nhất là cậu em thứ Bốn. Từ cá tràu nấu ám đến thịt ba chỉ nướng lụi, cá chua hấp... đều một tay nó làm.
Nhớ hồi mấy năm trước, tôi đưa thằng út về ăn giỗ bà nội. Nó cứ chạy vào chạy ra bếp, chun mũi “đánh hơi”: “Mùi thịt nướng thơm quá mẹ” và thủ thỉ hỏi xin miếng nhưng không được phép. Đến khi mâm cỗ được dọn ra, cu cậu “chén” một lần 5 sâu thịt, đến khi về vẫn thòm thèm: “Cậu Bốn còn thịt nướng nữa hông cho con mang về”. Hỏi công thức chế biến, thằng em thủng thẳng cười vẻ giấu nghề: Thì thịt ba chỉ, chút đường, chút nước mắm ngon, muối, hành... ướp rồi nướng chứ khó gì đâu. Vậy mà lần nào tôi làm thằng nhỏ cũng lắc đầu phân bì: Mẹ làm dở hơn cậu Bốn nhiều.
Có lẽ, món quê nhà nội ngon là bởi có hương rơm rạ từ đồng ruộng, của những thực phẩm chưa bị thấm đẫm các chất phụ gia, hóa chất như ở thành phố hay bởi chính sự hồn hậu, vồ vập thương mến của họ hàng với những đứa con, cháu lập nghiệp ở thành phố đã ít nhiều phôi pha gốc gác quê nhà.
HOÀNG LAN