Bản lĩnh trước những làn “gió độc”
Đã thành thông lệ, cứ vào dịp diễn ra các sự kiện lớn của đất nước, của dân tộc, nhiều thế lực thù địch và các đối tượng chống phá đất nước ta lại tung ra đủ loại thông tin xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm gây rối, làm nhiễu loạn thông tin. Đây là thủ đoạn không mới, thậm chí đã cũ rích, nhưng có thể gây ra những hệ lụy xấu cho đời sống chính trị, xã hội của đất nước.
Hiện nay, khi ngày khai mạc đại hội lần thứ XII của Đảng sắp diễn ra thì các thế lực thù địch ráo riết lợi dụng công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội liên tục tung ra vô số những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ…, nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta, gây chia rẽ trong nội bộ đảng, mâu thuẫn giữa Đảng với nhân dân, với ý đồ làm giảm sút niềm tin của dân với Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Có những trang mạng xã hội trở thành diễn đàn công khai công kích với những thông tin thất thiệt, dựng đứng nhằm gây nhiễu loạn trong xã hội. Có thể nói đây chính là những làn “gió độc” đối với đời sống chính trị, xã hội của đất nước.
Trên thực tế, với đa số cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức và được tiếp nhận thông tin đầy đủ qua các kênh chính thống, thì những thông tin xấu nói trên khó có thể “qua mặt” được. Nhưng với một bộ phận người dân, do không có điều kiện tiếp nhận đầy đủ thông tin chính thống, nhận thức về chính trị, xã hội có giới hạn, thì có thể bị “nhiễu” trong việc tiếp nhận, khó có thể phân biệt, nhận diện được sự thực-giả, tốt-xấu, đúng-sai… của các thông tin này. Và đó là điều hết sức nguy hiểm.
Vì vậy, việc ứng phó, đấu tranh chống các thông tin xấu gây nhiễu loạn như vậy là hết sức cần thiết và phải được tăng cường mạnh mẽ hơn. Để đấu tranh có hiệu quả chúng ta cần hết sức chủ động, nhanh nhạy trong việc vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng chống phá, cung cấp kịp thời các thông tin chính thống phản bác thông tin xấu, không để chúng có dịp tung hoành… Cụ thể, các cơ quan chức năng phải làm tốt vai trò người phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, nhanh nhạy và liên tục để định hướng dư luận trong nhân dân. Đặc biệt, cần có sự hỗ trợ hiệu quả để người sử dụng internet có sự sàng lọc thông tin, tự bảo vệ bản thân trước các thông tin xấu, độc hại. Chính quyền các cấp, cơ quan truyền thông cần chủ động để giữ vững mặt trận thông tin, tư tưởng, tăng cường cung cấp cho người dân những thông tin liên quan tới tình hình thời sự chính trị - xã hội… một cách đa dạng, nhanh chóng, kịp thời nhằm đẩy lùi các thông tin xấu, bịa đặt.
Về phía người sử dụng internet phải cần trang bị cho mình những kiến thức nhất định để nâng cao nhận thức, biết chọn lọc thông tin. Đặc biệt, không chia sẻ, dẫn lại thông tin chưa được kiểm chứng. Trước hết người dân cần tin tưởng vào thông tin chính thống trên hệ thống báo chí, báo điện tử, trang mạng chính thức của chúng ta. Không nên tìm kiếm những trang web có nội dung xuyên tạc, nói xấu và không bình luận, chia sẻ đường dẫn các thông tin xấu. Với tình hình an ninh mạng như hiện nay, khi các thông tin xấu, độc hại đã trở thành chuyện thường ngày thì ý thức của người dùng cần được nâng lên để không vô tình tiếp tay cho các thông tin xấu, độc hại.
Bản lĩnh vững vàng, nhận thức chính trị đúng đắn, có tinh thần cảnh giác và trách nhiệm công dân chính là tấm “lá chắn thép” để chúng ta ngăn ngừa tác hại của những làn “gió độc” đối với đất nước ta.
HẢI ĐĂNG