Su-27 xuất kích trong đêm
18 giờ 45 phút, từ đài chỉ huy, sau khẩu lệnh của Thượng tá Ngô Vĩnh Phúc, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 940 (Sư đoàn Không quân 372), các phi công nhanh chóng leo lên máy bay và nổ máy… Khẩu lệnh cất cánh của chỉ huy bay phát ra, lập tức chiếc Su-27 gầm lên dũng mãnh rồi lao vút vào bầu trời đêm, để lại những luồng lửa cháy đỏ, rực sáng từ đuôi như sao chổi.
Vậy là, sau 30 năm làm nhiệm vụ huấn luyện đào tạo, từ năm 2010, Trung đoàn Không quân 940 (đóng tại Phù Cát) chuyển sang nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Từ tháng 5.2011, Trung đoàn chính thức chuyển từ máy bay Mig-21 sang sử dụng Su-27 trong huấn luyện máy bay chiến đấu. Sau khi hoàn thành xuất sắc bay chuyển loại, ngày 1.1.2012, Trung đoàn được giao nhiệm vụ mới: Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển miền Trung - Tây Nguyên, sẵn sàng chi viện cho phía Bắc, phía Nam. Nhiệm vụ cụ thể của Trung đoàn là trực ban sẵn sàng chiến đấu, trinh sát, tuần tiễu biên giới, vùng biển, đảo xa của Tổ quốc. Đêm 17.4.2013 là thời điểm lịch sử đáng nhớ của Trung đoàn Không quân 940: lần đầu tiên được xuất kích trong đêm.
Bay đêm đầu tiên
34 năm kể từ ngày thành lập đơn vị, đây là lần đầu Trung đoàn thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Bao khó khăn đặt ra. Đơn vị chỉ có hơn một tháng để chuẩn bị, nên mọi người đều trong tâm trạng lo lắng, hồi hộp và chờ đợi.
Thực hiện hai ban bay đêm đầu tiên là Trung đoàn trưởng cùng với các phi công được tăng cường từ đơn vị bạn. Có nhiều năm kinh nghiệm bay ngày cũng như bay đêm, nhưng trước nhiệm vụ mới, Thượng tá Trung đoàn trưởng Ngô Vĩnh Phúc nhớ lại, anh vẫn chuẩn bị thật kỹ về nội dung, phương pháp và tâm lý bay cho mình. Đối với phi công bay đêm, yêu cầu đặt ra là phải rèn luyện để tránh cảm giác sai, nắm chắc điện tiêu, ánh sáng sân bay, phát hiện và bình tĩnh xử trí tình huống bất trắc.
Trước đó, chuyến bay trinh sát khí tượng cuối giờ chiều do thượng tá Vũ Hồng Sơn, Phó Trung đoàn trưởng, thực hiện đã hoàn thành và báo cáo nhanh gọn trong cuộc họp xác định quyết tâm bay: Thời tiết đêm bay chính thức không thuận lợi, trời chuyển giông phía Tây. Tuy vậy, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Giờ xuất phát đã đến.
Nhận lệnh, chiếc phi cơ tiêm kích lập tức cất cánh, mang theo bao nỗ lực và niềm tin của hàng trăm con người từ mặt đất cả tháng trời chuẩn bị bảo đảm cho lần bay đêm đầu tiên của Trung đoàn. Tại đài chỉ huy trung tâm, những thông tin về thời tiết, điều kiện bay… liên tục được thông báo, trao đổi. Niềm tin lớn dần sau mỗi vòng bay.
Sau bài bay vòng kín, kíp bay chuẩn bị hạ cánh. Sân bay lúc này trông như một sân khấu lớn, sáng rực với hệ thống đèn chiếu sáng dẫn đường. Kíp bay thực hiện kỹ thuật tiếp đất và hạ cánh an toàn, kết thúc bài bay đêm đầu tiên. Niềm vui vỡ òa. Thành công bay đêm khẳng định sự trưởng thành của các lực lượng bảo đảm và đội ngũ phi công Trung đoàn Không quân 940.
Hồi hộp như... đêm tân hôn
Đây là cách ví von tếu táo nhưng rất thật của những chàng lính bay trẻ vui tính ở Trung đoàn Không quân 940 khi miêu tả tâm trạng chờ đợi ban bay đêm đầu tiên trong đời phi công của mình. Thượng tá Nguyễn Minh Tuấn, Chính ủy Trung đoàn 940, cười hóm hỉnh: “Mỗi khi nhận được lệnh xuất kích đêm, các phi công trẻ cứ háo hức chờ đợi đến lượt mình với tâm trạng như... đêm tân hôn ấy, cứ bối ra bối rối. Ấy vậy nhưng khi bước lên máy bay, cất cánh lên bầu trời thì các cậu ấy hoàn toàn tự tin làm chủ bản thân mình và chinh phục được bầu trời”.
Với gần 700 giờ bay an toàn trên máy bay Mig-21, Su-27, phi công trẻ Vũ Ngọc Nam đã có 7 giờ bay đêm đầu tiên trên Su-27, tâm sự: “Bay đêm khác nhiều so với bay ngày, đòi hỏi phi công phải có sự thích ứng, vì mọi sinh hoạt đều đảo lộn, thay đổi”. Bay đêm tầm nhìn hạn chế, dễ bị cảm giác sai, do đó các phi công phải tập trung trí lực nhiều hơn, phải tập luyện nhiều để có thể sử dụng các thiết bị một cách chính xác. “Ban đầu cũng ngại, lo nhất là lúc hạ cánh, sợ không xác định được chính xác thời điểm tiếp đất. Thế nhưng khi bay được, bay tốt rồi thì thấy mình trưởng thành hơn, vững vàng hơn khi bước vào buồng lái làm nhiệm vụ…” - Nam chia sẻ.
Có thể nói, bay đêm là bước đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của một phi công chiến đấu. Phi công trẻ Lê Hồng Sơn, sau khi tích lũy được gần 840 giờ bay an toàn, trong đó có 20 giờ bay đêm trên Su-27, giờ đây đã có thể bay đơn và độc lập tác chiến trên bầu trời đêm. Nhớ lại cảm giác lần đầu tiên được bay lượn trong không trung, với tứ bề là trăng sao và ánh điện dưới mặt đất lấp lánh, phi công Lê Hồng Sơn vẫn còn phấn khích: “Lần đầu tiên được ngắm nhìn mặt đất từ trên cao vào ban đêm, tôi thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Phi công chúng tôi cũng lãng mạn lắm chứ (cười), nhưng khi làm nhiệm vụ thì phải tỉnh táo tuyệt đối để xử lý tình huống. Chính vì vậy mà lúc ấy, cảm giác và suy nghĩ của tôi là chúng tôi cần phải ra sức học tập, rèn luyện để bảo vệ vững chắc quê hương, đất nước tươi đẹp của mình”.
Thời điểm này, Thượng tá Vũ Hồng Điệp, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 940, đang đảm nhiệm trọng trách nặng nề: vừa là phi công, vừa huấn luyện cho các phi công trẻ bay ngày, bay đêm. Anh tâm sự: “Là phi công chiến đấu thì phải bay được cả ngày lẫn đêm. Muốn làm được như thế thì phải phấn đấu, nỗ lực rèn luyện thật nhiều để khi cần áp dụng ngay vào nhiệm vụ chiến đấu”.
Những người đi sớm về muộn
Mọi chuyến bay thành công đều bắt nguồn từ mặt đất. Đây là phương châm được Trung đoàn Không quân 940 thực hiện nghiêm túc. Vì vậy, từng phần việc bảo đảm cho nhiệm vụ bay đêm như: tra tiếp nhiên liệu, kỹ thuật máy bay, canh gác bảo vệ an toàn bay... được phân công đến từng vị trí. Tất cả được thực hiện dưới ánh đèn và không được phép sai sót.
Để chuẩn bị cho chuyến bay đêm, từ 14 giờ 30 phút, những người lính kỹ thuật của Tiểu đoàn Bảo đảm kỹ thuật hàng không đã có mặt ở đường băng. Từng tổ thợ máy cẩn thận kiểm tra máy bay, từ đồng hồ, thiết bị vô tuyến đến các ốc vít và tra mỡ nạp dầu.
Đại úy Trần Quốc Tuấn, Kỹ thuật trưởng máy bay động cơ, tiến hành kiểm tra chặt chẽ, kiểm tra đi, kiểm tra lại các phần việc của mình trước khi giao máy bay cho phi công. Anh cho biết: “Từ khi đơn vị tiến hành bay đêm, nhiệm vụ của lính kỹ thuật càng nặng nề hơn, vất vả hơn, nhưng tất cả chúng tôi đều quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Khi ban bay thứ nhất vừa hạ cánh an toàn xuống đường băng, đại úy Đỗ Hồng Phú, Kỹ thuật trưởng thiết bị hàng không, tiến hành kiểm tra lại lần nữa trước khi ban bay thứ hai cất cánh. Lúc này trời đã tối mịt, đại úy Đỗ Hồng Phú leo lên khoang phi công để điều chỉnh lại ánh sáng trong buồng lái cho phù hợp. “Từ khi có thêm nhiệm vụ bay đêm, công việc đón con đi học về, dạy con học vào mỗi tối tôi đều giao phó cho vợ. Có hôm xong việc, về lại khu tập thể của đơn vị đã hơn 23 giờ. Đặc trưng công việc của những người lính kỹ thuật chúng tôi là luôn có mặt trước và ra về sau cùng mỗi chuyến bay mà”, đại úy Phú chia sẻ.
Chúng tôi rời Trung đoàn Không quân 940 khi kim đồng hồ đã qua 22 giờ, cũng là lúc ban bay đêm cuối vừa hạ cánh an toàn xuống đường băng. Bước vội trên đường băng về lại doanh trại, Thượng tá Vũ Hồng Điệp, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 940, tự tin: “Trung đoàn đang quyết tâm hoàn thành huấn luyện bay đêm cho các phi công trẻ trong thời gian sớm nhất để thực hiện nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu cả ngày, lẫn đêm trong năm nay”.
NGUYỄN PHÚC-VĂN THÔNG
Các anh phi công hãy cố lên. Hãy làm chủ phương tiện, khí tài để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Phải đánh cho kẻ nào xâm phạm đến biên cương Tổ quốc ta, cho chúng biết "Sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ".
Cảm ơn 2 phóng viên BBĐ đã viết bài mô tả về Trung đoàn 940 với những chuyến bay đêm đầu tiên. Bài viết rất hay, miêu tả chi tiết, đáp ứng được nhu cầu mong muốn tìm hiểu về lực lượng không quân của độc giả. Bởi lâu nay, viết về các lực lượng trên bộ, trên biển thì nhiều, nhưng trên không thì ít. Hơn nữa, với dân BĐ, trung đoàn 940 đóng trên địa bàn tỉnh, nên càng muốn biết về vai trò, nhiệm vụ của đơn vị này như thế nào. Qua bài viết, người dân chúng tôi cảm thấy tự hào vì đơn vị 940 nay nhận thêm nhiệm vụ "sẵn sàng chiến đấu". Chúng tôi hiểu nhiệm vụ ấy là gì, vinh dự lắm, nhưng cũng cần phải luyện tập nhiều hơn ( nhất là: không đối hạm), cần được đầu tư nhiều hơn. Các cán bộ, chiến sĩ phải đặt mình tuyệt đối trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu. Vùng trời, vùng đất liền, đặc biệt là vùng biển đảo khu vực miền Trung, trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong tầm bảo vệ của các anh. Mong sao, nhà nước đầu tư cho đơn vị có nhiều Su 30 hơn, nhiều giờ bay hơn... Các anh bay canh giữ biên giới Tổ quốc.