Nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt:
Đảng phải đổi mới, dân chủ hơn nữa
Đảng cần gì ở dân, dân cần gì ở Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII kỳ này - là chủ đề chính trong cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo SGGP với nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt. Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông nói: “Tôi cũng là dân, cũng có tiếng nói nguyện vọng, mong muốn của mình gửi đến Đảng, mong Đảng đổi mới, vững mạnh, trường tồn, xứng đáng với Đảng của dân - do Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo…”.
Đồng chí Phạm Thế Duyệt trả lời phỏng vấn phóng viên Báo SGGP
Dân mong gì ở Đảng?
“Mong Đảng giữ được bản lĩnh, bản chất lãnh đạo, uy tín lãnh đạo. Dân mong như thế, vì Đảng này là Đảng duy nhất lãnh đạo đất nước, được nhân dân tin cậy. Do vậy, Đảng phải làm sao từ trong đổi mới đến hội nhập hiện nay cần có uy tín lãnh đạo, sáng suốt, tiếp cận với quốc tế và thực hiện mục đích của nhân dân được tốt hơn, thể hiện rõ hơn, để xứng đáng với lòng tin của dân, xứng đáng với truyền thống của các thế hệ lãnh đạo đi trước”, ông Phạm Thế Duyệt khẳng định.
* Phóng viên: Dân mong gì ở Đảng tại Đại hội lần thứ XII này, thưa ông?
- Ông PHẠM THẾ DUYỆT: Dân đang rất tin, rất mong ở Đại hội XII lần này của Đảng. Dân tin là từ khi Đảng ra đời lãnh đạo dân tộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… đều thành công, làm gì dân đều theo hết. Mà lúc đó, Đảng không cần phải nói nhiều, hành động của cán bộ, đảng viên, rồi hiệu triệu của Bác Hồ, thế là cả nước tập trung vào thực hiện bằng được mục tiêu đề ra.
Bây giờ dân mong gì ở Đảng, không phải tự nhiên mong. Dân mong đất nước sau 30 năm đổi mới rồi đừng có chậm trễ, kinh tế phải phát triển nhanh, nội lực phải phát huy cao và đời sống của nhân dân được nâng lên đồng đều, rõ rệt. Hiện nay, hội nhập ngày càng sâu rộng, đừng để thua thiệt so với các nước. Tất cả là hiệu quả, là kết quả của hội nhập, đất nước sau mấy chục năm đổi mới phải tiếp tục phát triển hơn nữa. Đồng thời với hội nhập phải đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, nhất là tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, đừng hẹp hòi với họ quá. Bất kể thành phần kinh tế nào, từ tư nhân đến nước ngoài, nếu vì lợi ích của đất nước, của nhân dân thì phải tạo điều kiện cho họ phát triển.
Phải tránh lợi ích nhóm trong phát triển kinh tế, làm mà chỉ nhằm đến lợi ích của một nhóm thì không nên, dân không bao giờ chấp nhận điều đó đâu. Ai làm giàu chính đáng thì khuyến khích họ và phải để họ được hưởng dù có gấp 5, gấp 10, không sao cả. Nhưng không được để sơ hở trong quản lý đất nước, để có anh giàu sụ lên không phải bằng tài năng, trí tuệ hay từ công sức đầu tư, mà do có được dự án này, công trình kia. Rồi lại ca tụng họ lên nữa thì không thể được. Những người đó không phải là người làm giàu do trí tuệ, chân chính đâu. Thực tế họ không phải từ khoa học kỹ thuật, năng lực quản lý, trình độ, hay trí tuệ, học hỏi kiến thức cao. Có người tự nhiên vớ được khu đất rất rộng, giá lại rất rẻ, bán lại thì giàu to. Những người ấy là phải hết sức cảnh giác. Mà ai làm được cái đó? dân không thể làm được. Chỉ có những người quản lý, những người lãnh đạo - những người đó đều là đảng viên cả. Dân không thể chấp nhận những cái đó.
* Đất nước ta đang hội nhập sâu với thế giới, người dân còn lo chúng ta không theo kịp?
- Trong xu thế hội nhập, dân lo cho đất nước nhiều lắm. Chính vì vậy, dân mong người lãnh đạo đất nước ngoài có tầm, có tâm, còn phải am hiểu và có khả năng quyết đoán. Trong nền kinh tế hội nhập, chúng ta không thể cứ nhập siêu mãi. Hay dân mong làm sao từng tấc đất, từng nguyên liệu là khoáng sản, tài nguyên của đất nước, vị thế của đất nước phải được phát huy cao, không bỏ sót tiềm năng quan trọng đó.
* Vấn đề dân chủ trong xã hội cũng là điều dân đang rất mong mỏi, thưa ông?
- Nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần này, Đảng cần xử sự dân chủ với dân. Dân rất mong điều đó. Bao nhiêu oan sai, bao nhiêu vụ việc khiếu kiện làm dân bức xúc. Sáng sớm hôm nay tôi cũng gặp một đồng chí ở Ninh Bình ra đưa một chồng đơn. Biết tôi nghỉ hưu rồi cũng cứ đến đưa đơn. Nhiều đơn thư bị nhiều nơi cứ chuyển chỗ nọ, chuyển chỗ kia, rất là vô cảm, rất thiếu trách nhiệm với dân. Đáng ra, những việc bức xúc của dân, Đảng không thể đứng ra giải quyết được, nhưng Đảng phải có trách nhiệm, mời chủ tịch tỉnh, chủ tịch thành phố, mời những người có liên quan đến ngồi nghe. Tất cả ngồi vào nghe để giải quyết triệt để những oan ức, những kiến nghị đúng đắn của dân. Muốn có dân chủ trong xã hội, Đảng phải làm điều đó trước với dân và phải làm thực sự để dân tin.
Điều nữa là tất cả những ý kiến của dân, sáng kiến của dân phải được các cấp ủy Đảng lắng nghe. Đại hội XII của Đảng lần này phải toát được tinh thần đó, phải thực sự biết lắng nghe ý kiến của dân. Bác Hồ nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chống tham nhũng chưa thành công cũng là vì thiếu sự đóng góp của dân. Đảng nói ra cũng muốn làm đấy nhưng nói mà không có những giải pháp thỏa đáng, không biết phát huy dân chủ và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân. Cái đó chúng ta phải xem lại, dân chủ của dân đòi hỏi như vậy. Đảng đã tự nhận Đảng tiền phong không chỉ của giai cấp công nhân, nông dân mà còn của cả dân tộc, mà chẳng cho dân biết gì cả thì làm sao được. Cho nên, mọi việc khó, mọi việc cần thiết, dân cần được biết, trừ chuyện an ninh quốc phòng, bí mật cần giữ kín. Từ chính sách về con người, về đội ngũ cán bộ, lề lối làm việc, chính sách, nghị quyết liên quan đến dân phải có ý kiến của dân.
Chọn người tài gánh vác công việc cho Đảng, cho dân
“Trong dân từ trước đến giờ có rất nhiều người giỏi, nhất là đội ngũ trí thức, Đảng phải biết và sử dụng họ. Rồi bao nhiêu đảng viên về hưu đầy kinh nghiệm, phải lắng nghe họ rồi hãy ra nghị quyết, hãy quyết. Chỉ Ban Chấp hành Trung ương thôi thì làm sao trí tuệ được bằng cả Đảng, cả dân tộc. Dân chủ không chỉ là đối xử, mà phải là thật tâm lấy được hết mọi ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Ở Đại hội Đảng lần này cũng cần phải toát lên được ý đó”, ông Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh.
* Thưa ông, có phải cơ chế phát hiện, sử dụng người tài lâu nay chúng ta làm chưa tốt?
- Sau Đại hội Đảng sẽ là bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Tinh thần của Đại hội Đảng XII phải chỉ cho thật rõ vấn đề quan trọng không chỉ là lý thuyết, mà là việc làm, không để cái chuyện bầu cử những người chưa xứng đáng vào trong các cơ quan dân cử. Nhiều trí thức giỏi không ở trong Đảng nhưng họ phải được tham gia vào hệ thống chính quyền. Đảng lãnh đạo không có nghĩa là chỉ có Đảng mới làm được việc này, việc kia. Làm gì có cái chuyện đó. Hãy tìm cho ra những người tài, người giỏi của đất nước để gánh vác công việc cho Đảng, gánh vác công việc cho dân. Người tài ngoài Đảng có thể là bộ trưởng, thứ trưởng, là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, không thể cứ chỉ là đảng viên. Ngoài Đảng còn rất nhiều người sắc sảo, Đảng đừng bỏ sót lực lượng này.
* Hiện một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài vẫn đứng ngoài cuộc, trong khi đất nước đang rất cần nguồn lực quan trọng này?
- Một vấn đề mà Đảng đã làm, nhưng theo tôi phải làm tốt hơn, đó là tình cảm và sự quan tâm với các đối tượng trong xã hội, kể cả những người đã làm việc cho chế độ cũ trước kia. Con cái họ, ai tốt cũng phải đưa vào Đảng, ai giỏi cũng phải sử dụng, chứ đừng có phân biệt họ. Chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc còn cái gì bà con kiều bào chưa thông, chưa hiểu thì phải giải thích, trao đổi. Chỉ có hòa giải, hòa hợp dân tộc mới tạo được sức mạnh đại đoàn kết. Vấn đề này trước cũng đã nói, nhưng đại hội này phải đề cập mạnh hơn nữa, nhất là giai đoạn đất nước hội nhập quốc tế mạnh như lúc này.
* Ông quan tâm nhất vấn đề gì trong Đảng hiện nay?
- Tôi quan tâm nhất là vấn đề xây dựng Đảng. Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng đã thẳng thắn nhận ra những yếu kém, tồn tại và khuyết điểm về nhiều mặt là được rồi. Nhưng tới đây phải khắc phục ra sao mới là điều quan trọng, có bao nhiêu đảng viên có khuyết điểm cần khắc phục, những nguy cơ, tham nhũng, tiêu cực sớm phải làm rõ. Việc coi trọng lúc này theo tôi là đội ngũ cán bộ, tổ chức và người đứng đầu. Dù đã được bầu vào cấp ủy ở cấp tỉnh, hay các cơ quan bộ ngành, dù nay mai đã vào Ban Chấp hành Trung ương nhưng nếu xét thấy trình độ, năng lực, đạo đức, phẩm chất không tốt cũng nên thay thế. Ai không xứng đáng nên có cơ chế thay thế, kể cả cán bộ Trung ương. Ai vi phạm thì phải kỷ luật, phải nghiêm túc, phải dứt khoát như thế, chứ đừng tưởng ngồi vào đây là mặc nhiên đến hết nhiệm kỳ. Ngoài ra, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan Nhà nước phải là người có trách nhiệm. Người lãnh đạo đứng đầu mà mạnh dạn, thẳng thắn, đúng đắn thì cấp ủy do đồng chí đó phụ trách ít nghĩ đến sai trái, ít lồng vào cái chuyện cá nhân này kia. Một cấp ủy mà vững vàng, trong sạch, năng lực, dân chủ thì tôi tin rằng cả đảng bộ ấy bên dưới phải theo hết. Xây dựng chỉnh đốn Đảng phải làm quyết liệt, đừng có chậm trễ. Trong những năm qua, có những lúc chúng ta đã buông lỏng, thiếu sự quan tâm, làm cho sức chiến đấu của Đảng chưa mạnh, niềm tin của dân với Đảng giảm sút.
* Xin cảm ơn ông!
Theo HOÀI NAM - NGỌC QUANG (SGGP)