Nên có sản phẩm lưu niệm gắn với đề tài tháp Chăm
Hệ thống di tích tháp Chăm là di sản vô giá của Bình Định. Để góp phần bảo tồn và phát huy các di tích, bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo phục vụ nhu cầu tham quan, cũng cần có các sản phẩm lưu niệm đẹp để du khách khắp nơi mua về trưng bày trong nhà, nơi làm việc... Tuy nhiên, loại sản phẩm lưu niệm này chưa được quan tâm thực hiện.
Khi Cuộc thi thiết kế, chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch Bình Định lần thứ I - 2015 được phát động, với yêu cầu sản phẩm phải có tính mới, sáng tạo và mang đậm bản sắc văn hóa Bình Định... nhiều người trông chờ sẽ có những sản phẩm lưu niệm đẹp về tháp Chăm. Nhưng, kết quả chỉ có 2 sản phẩm đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi. Đó là, sản phẩm mô phỏng tháp Bánh Ít của cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ Trương Gia Bảo (thị xã An Nhơn) và tháp Đôi của tác giả Phạm Văn Hớn (huyện Tây Sơn).
Cần có những sản phẩm lưu niệm đẹp về di tích quốc gia đặc biệt tháp Dương Long.
- Trong ảnh: Mô hình tháp Dương Long tại khu công viên ven biển đường An Dương Vương, TP Quy Nhơn.
Vừa qua, Cuộc thi thiết kế, chế tác sản phẩm phục vụ du lịch Bình Định lần II - 2016 được phát động theo hình thức mở rộng hơn, chứ không chỉ giới hạn ở sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Để Cuộc thi năm nay có thêm nhiều sản phẩm đẹp nói chung và về tháp Chăm nói riêng, thiết nghĩ cần có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa Sở Công Thương, Sở VH-TT &DL, Hội VHNT tỉnh để có những hình thức mời gọi nhiều hơn các nghệ nhân, họa sĩ, nhà thiết kế, nhà điêu khắc, các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, thiết kế sản phẩm phục vụ lưu niệm trong và ngoài tỉnh tham gia. Nhất là chú trọng đến việc thiết kế, chế tác các sản phẩm phù hợp lưu niệm, có tính thẩm mỹ cao về tháp Dương Long đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt; về tháp Bánh Ít được nhóm tác giả chuyên viết về kiến trúc của Anh đưa vào cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời”.
Còn nhớ tại Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, anh Phan Thanh Bộ (xã Tây An, huyện Tây Sơn) là người rất tâm huyết với nghề làm gốm, đã bỏ ra nhiều thời gian làm mô hình cụm 3 tháp Dương Long (cao 1,8 m) gây được nhiều ấn tượng. Khi được mời tham gia Festival Gốm sứ Việt Nam năm 2010, anh Bộ cũng đem đến trưng bày mô hình tháp Dương Long, thu hút đông khách tham quan và nhiều người đã ký hợp đồng đặt mua số lượng lớn mô hình bằng gốm kiểu này… Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng đã chấm điểm sản phẩm và phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho anh Phan Thanh Bộ. Nhắc lại chuyện cũ để thấy trong các cuộc thi về sản phẩm phục vụ du lịch hiện nay, muốn có những sản phẩm lưu niệm đẹp về tháp Chăm Bình Định, cần định hướng cụ thể và có các hình thức thu hút được sự quan tâm của những người có tay nghề và tâm huyết hưởng ứng, tham gia…
MAI THƯ