Xuất khẩu gạo 2016: Tín hiệu tốt từ đầu năm
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hoạt động xuất khẩu gạo đầu năm 2016 thuận lợi hơn so với đầu năm 2015. Hợp đồng thương mại và hợp đồng tập trung từ năm 2015 chuyển qua khoảng hơn 1,3 triệu tấn, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn và truyền thống của Việt Nam đến sớm hơn.
Cú đột phá ngược dòng
Có thể nói, năm 2015 là năm xuất khẩu đầy khó khăn của các mặt hàng nông sản (trừ nhân điều và hồ tiêu), do giá xuất khẩu giảm, bị cạnh tranh quyết liệt; riêng với mặt hàng gạo, khó khăn càng thêm chồng chất. Con số xuất khẩu 6,58 triệu tấn gạo cuối năm 2015 được xem là khá bất ngờ, bởi trước đó, các nhận định đều bi quan khi thị trường trầm lắng. Số lượng và giá trị xuất khẩu gạo đều sụt giảm so với cùng kỳ, kéo dài liên tục đến giữa tháng 10-2015.
Dây chuyền đóng gói gạo của Gạo Việt (Gentraco). Ảnh: Minh Trường
Trả lời báo chí, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), nhìn nhận là thị trường gạo thế giới năm 2015 rất khó khăn, giá xuất khẩu xuống quá thấp! Hoạt động xuất khẩu gạo năm 2015 có hai giai đoạn. Từ đầu năm đến trước tháng 9-2015, thị trường xuất khẩu gạo ảm đạm, tồn kho lớn. Lượng gạo mua tạm trữ còn đầy trong kho doanh nghiệp (DN). So với giá thị trường thế giới thời điểm đó, giá mua tạm trữ lại cao hơn. Chính vì vậy mà chỉ tiêu xuất khẩu gạo đã phải điều chỉnh giảm xuống. Các DN kinh doanh và xuất khẩu lương thực nói chung, trong đó có Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), ba năm qua rất khó khăn khi thị trường gạo thế giới cung nhiều hơn cầu. Thái Lan - đối thủ chính của gạo Việt Nam, lượng gạo tồn kho còn rất lớn, chính phủ Thái phải tìm mọi cách để bán, dẫn đến áp lực cạnh tranh càng căng thẳng. Đa số các DN xuất khẩu lương thực đều là DN vừa và nhỏ, trừ Vinafood 1 (Tổng Công ty Lương thực miền Bắc) và Vinafood 2, nên khi thị trường biến động, lợi nhuận biên thu được rất thấp.
Nếu những tháng cuối năm 2015 không có hai hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung sang Philippines và Indonesia, sẽ có nhiều DN rơi vào tình thế thua lỗ. Hai hợp đồng tập trung cấp chính phủ (G to G) xuất hiện kịp thời như là “chiếc phao” giải cứu. Nhưng khi có hợp đồng 750.000 tấn gạo cung cấp cho Philippines, trong đó Việt Nam cung ứng 450.000 tấn và Thái Lan 300.000 tấn, thị trường lúa gạo nội địa vẫn trầm lắng do Philippines chỉ cần giao 250.000 tấn vào cuối năm 2015. Đến khi Vinafood 2 ký được hợp đồng xuất khẩu 1 triệu tấn gạo đi Indonesia, thị trường mới rục rịch tăng giá, rồi sau đó tăng giá quá nhanh. Trong số 1,4 triệu tấn gạo tồn kho của các DN, Vinafood 2 lúc đó còn đến 400.000 tấn, nhờ đó giúp giải quyết nhiều khó khăn kéo dài trước đó và giúp DN xuất khẩu gạo “hồi tỉnh”.
Tăng tính cạnh tranh cho gạo Việt Nam
Theo nhận định của VFA, việc xuất khẩu gạo đầu năm 2016 gặp nhiều thuận lợi hơn so với đầu năm 2015. Gạo tồn kho năm 2015 không còn nhiều như các năm trước - 300.000 tấn so với bình quân 700.000 tấn gạo gối đầu. Hợp đồng thương mại và hợp đồng tập trung từ năm 2015 chuyển qua khoảng hơn 1,3 triệu tấn và nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn đến sớm. Do vậy, nhiều khả năng vụ đông xuân 2015-2016 không phải mua tạm trữ như vụ đông xuân 2014-2015. VFA cũng dự báo, thị trường xuất khẩu gạo đến hết quý 2-2016 khá tốt, do các quốc gia nhập khẩu lớn như Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Malaysia sẽ sớm ký hợp đồng nhập gạo để ổn định nguồn cung lương thực trong nước, và đối phó với tác động hạn hán do El Nino gây ra. Theo Hãng thông tấn Reuters, cơ quan lương thực NFA của Philippines vừa công bố nhu cầu nhập khẩu 400.000 tấn gạo trong quý 2-2016 và mua thêm 800.000 tấn sau đó, nâng tổng số lên 1,2 triệu tấn gạo năm 2016. Những quốc gia này vẫn là thị trường tiềm năng của hạt gạo Việt Nam trong nhiều năm tới, nhất là Trung Quốc. Cho dù Philippines và Indonesia luôn tìm cách tự cung cấp lương thực, nhưng thiên tai như bão, lũ và đặc biệt hiện tượng El Nino kéo dài làm ảnh hưởng nặng nề nhất trong 60 năm qua.
Điều lo ngại hiện nay là giá gạo nội địa cao hơn giá gạo thế giới, đối với gạo 5% cùng loại, có lúc gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan và Ấn Độ 10 - 20USD/tấn, cao hơn gạo Pakistan khoảng 60USD/tấn. Điều này khiến các DN e ngại trong việc ký các hợp đồng thương mại. Dù giá gạo trong nước đã xuống 5 - 10USD/tấn, nhưng vẫn còn cao. Vì vậy, nếu tình hình này kéo dài thì các hợp đồng thương mại sẽ khó ký được và đây chính là bài toán phải giải trong quý 2-2016 của VFA.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Angimex (An Giang), nhận định gạo thơm và gạo trắng cao cấp tiếp tục tăng trưởng năm 2015 là tín hiệu tích cực và là điều kiện để xây dựng thương hiệu, như chủ trương của VFA. Có nhiều yếu tố có thể giúp giá gạo thị trường thế giới năm 2016 phục hồi, nhất là giai đoạn cuối năm, như tác động tiêu cực hiện tượng El Nino đến sản xuất lương thực, lượng tồn kho toàn cầu suy giảm giống như thời kỳ trước những năm 2007-2008, giai đoạn khủng hoảng thiếu lương thực. Nhưng vấn đề là kiểm soát chất lượng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, là yêu cầu lớn phải có giải pháp giải quyết. Đây là thách thức lớn nhất, khi Hiệp định TPP có hiệu lực mà vấn đề dư lượng hóa chất không được giải quyết, gạo Việt Nam sẽ bị mất lợi thế để vào những thị trường khó tính trong TPP, và kể cả trên sân nhà.
Theo Công Phiên (SGGPO)