Tuy Phước phát triển giao thông nông thôn
Trong những năm qua, nền kinh tế của huyện Tuy Phước liên tục tăng trưởng khá; cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, giao thông thông thoáng, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Nhân dân Tuy Phước tham gia xây dựng GTNT. Ảnh: XUÂN THỨC
Ông Võ Ngọc Cang, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy Phước, cho biết: Toàn huyện có gần 638 km đường giao thông nông thôn (GTNT). Trước năm 2000, hạ tầng giao thông còn yếu kém, chủ yếu đường đất “nắng bụi mưa bùn”. Kể từ khi tỉnh có chủ trương hỗ trợ xi măng làm đường GTNT thì phong trào xây dựng và bê tông hóa GTNT trên địa bàn huyện lan tỏa mạnh mẽ, nhất là ở các địa phương xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Đến nay, toàn huyện có hơn 415 km/638 km được bê tông nhựa và bê tông xi măng, chiếm 65% tổng số tuyến đường giao thông trong huyện. Nhân dân 11 xã nằm trong Chương trình XDNTM của huyện đã tự nguyện hiến trên 47.634 m2 đất vườn, đất ruộng để làm đường GTNT. Riêng năm 2015 đã bê tông hóa được 60,5 km đường GTNT; đường trục xã, liên xã cơ bản đạt chuẩn; đường trục thôn được cứng hóa 70%; đường ngõ xóm không còn lầy lội vào mùa mưa. Hiện có 7/11 xã đạt tiêu chí về giao thông, gồm: Phước An, Phước Thành, Phước Nghĩa, Phước Hưng, Phước Lộc, Phước Hiệp và Phước Hòa; còn 4 xã chưa đạt là Phước Sơn, Phước Quang, Phước Thắng và Phước Thuận. Riêng xã Phước Sơn đang dốc sức đầu tư quyết tâm đạt tiêu chí giao thông và hoàn thành XDNTM vào cuối năm 2016.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, trong hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, tổng kinh phí xây dựng GTNT trên địa bàn huyện trong năm 2015 là 60,5 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp chiếm 48,5%, tỉnh hỗ trợ bằng xi măng chiếm 18%, ngân sách huyện 8% và ngân sách xã 25,5%. Tiêu biểu trong công tác huy động sức dân làm đường GTNT là các xã: Phước An, Phước Thành, Phước Thắng và Phước Hòa, người dân đóng góp chiếm từ 61% - 74% giá trị công trình.
Có thể nói, GTNT phát triển đã có những tác động trực tiếp và gián tiếp tới các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo hướng nhanh và bền vững; mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Theo ông Võ Ngọc Cang, để tiến tới đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2020, đòi hỏi cần nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, nhất là GTNT. Trong thời gian đến, ngoài kinh phí của tỉnh và huyện hỗ trợ, huyện khuyến khích các địa phương xây dựng các cây cầu dân sinh bằng bê tông cốt thép theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện sẽ hỗ trợ 50% kinh phí, còn lại 50% từ ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp và huy động các nguồn lực xã hội khác. Tiếp tục vận động nhân dân tham gia hiến đất phục vụ xây dựng GTNT, nhất là ở 4 xã chưa đạt tiêu chí giao thông.
XUÂN THỨC