Ô nhiễm từ hoạt động chế biến tinh bột mì ở xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn): Loay hoay tìm giải pháp
Ô nhiễm bủa vây
Theo UBND xã Hoài Hảo, toàn xã hiện có 145 cơ sở làm nghề sản xuất, chế biến tinh bột mì; tập trung chủ yếu ở thôn Tấn Thành 1, Tấn Thành 2, Phụng Du 1 và Phụng Du 2. Mỗi ngày, một hộ chế biến bình quân khoảng 300kg mì tươi; tạo ra khoảng vài chục kg bột mì nhất. Cá biệt, có hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm máy móc, phục vụ chế biến với công suất hàng chục tấn mì tươi/ngày. Từ đó, mỗi ngày các cơ sở chế biến tinh bột mì xả ra khối lượng nước thải rất lớn và hầu hết đều không có hệ thống xử lý nước thải đúng chuẩn nên chủ yếu xả trực tiếp ra môi trường. Nước thải có màu trắng đục sớm chuyển hóa thành màu xanh đen bốc mùi chua, thối đến nhức óc, tích tụ lâu ngày tạo nên những ao nước đen ngòm, gây ô nhiễm nguồn nước giếng sinh hoạt và ô nhiễm không khí rất nặng.
Một hộ dân ở thôn Tấn Thành 2, xã Hoài Hảo đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm thiết bị, máy móc để mở rộng quy mô sản xuất, chế biến tinh bột mì nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.
Thôn Tấn Thành 2 - là một trong 4 địa phương ở xã Hoài Hảo - đang gánh chịu hệ luỵ ÔNMT từ quá trình sản xuất tinh bột mì. Thời điểm từ tháng 8 âm lịch đến sau Tết Nguyên đán, các cơ sở vào vụ sản xuất chính nên không khí ô nhiễm càng nặng nề hơn. Nước thải làm các giếng nước của phần lớn hộ dân trong thôn không còn sử dụng được. Nhiều gia đình phải mua nước lọc về uống hoặc phải đến các giếng ở rất xa, không bị ô nhiễm xin nước về nấu ăn.
Kết quả kiểm tra của Sở TN-MT mới đây cho thấy, trong nước thải sản xuất bột mì ở Hoài Hảo có lượng độc tố cyanua rất lớn. Mức độ ô nhiễm tại đây vượt mức cho phép trên 5.000 lần
Được biết, kết quả kiểm tra của Sở TN-MT mới đây cho thấy, trong nước thải sản xuất bột mì ở Hoài Hảo có lượng độc tố cyanua rất lớn. Mức độ ô nhiễm tại đây vượt mức cho phép trên 5.000 lần.
Giải pháp xử lý
Trước tình trạng ÔNMT ngày càng nghiêm trọng, UBND xã Hoài Hảo cùng các ngành chức năng của huyện Hoài Nhơn đang khẩn trương triển khai một số biện pháp khắc phục. Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND xã Hoài Hảo, cho biết: “Trong tháng 1.2016, địa phương sẽ tổ chức kiểm tra đồng loạt 145 cơ sở sản xuất tinh bột mì ở địa phương. UBND xã sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động và kiến nghị UBND huyện rút giấy phép đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở vi phạm Luật Bảo vệ môi trường”.
Năm 2015, UBND xã Hoài Hảo đã lập biên bản xử phạt hành chính 59 cơ sở sản xuất tinh bột mì gây ÔNMT với số tiền gần 110 triệu đồng. Riêng UBND huyện Hoài Nhơn đã kiểm tra và xử phạt 4 cơ sở; mỗi cơ sở bị phạt 7 triệu đồng.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết huyện đã yêu cầu tất cả các cơ sở chế biến bột mì ở xã Hoài Hải phải tạm dừng hoạt động kể từ ngày 15.1.2016 để khắc phục việc xả thải gây ÔNMT và lập hồ sơ môi trường đăng ký cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Các cơ sở chỉ được phép hoạt động trở lại khi đảm bảo đầy đủ hồ sơ pháp lý và công trình xử lý chất thải theo đúng quy định. Triển khai việc này, chính quyền đã gặp phải một số phản ứng của cơ sở sản xuất, tuy nhiên địa phương vẫn kiên quyết thực hiện, vì mục đích đảm bảo môi trường lâu dài. “Huyện đã giao UBND xã Hoài Hảo khảo sát, tìm địa điểm phù hợp để báo cáo huyện và ngành chức năng quy hoạch khu sản xuất tinh bột mì tập trung để di dời các cơ sở này”, ông Công cho biết thêm.
Giải pháp mà ông Công đưa ra là cần thiết. Trước mắt, ngành chức năng cần hướng dẫn lại quy trình sản xuất phù hợp với công suất hệ thống xử lý nước thải, yêu cầu người dân ký cam kết không xả nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu ra môi trường. Ngoài ra, cần tiếp tục duy trì công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
TRỌNG LỢI