Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Hợp tác nghiên cứu khoa học hiệu quả
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh ngoài chức năng chính là trưng bày tuyên truyền, quảng bá và phổ biến tri thức khoa học, liên tục trong nhiều năm qua đã từng bước xúc tiến hợp tác hiệu quả với nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học hàng đầu trong cả nước.
1.
Những năm 80 của thế kỷ trước, những cuộc hợp tác của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh với Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh, Viện Khảo cổ học Việt Nam ban đầu chỉ dừng lại ở các cuộc khảo sát về các di tích, phế tích Sa Huỳnh, Chăm pa trên đất Bình Định. Đến những năm 90, các cuộc hợp tác nghiên cứu đầu tiên về những vấn đề lịch sử và khảo cổ trên đất Bình Định được xúc tiến và thu được những kết quả bước đầu. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và Viện Khảo cổ học Hà Nội đã hoạch định một chương trình nghiên cứu lâu dài tại Gò Sành và toàn bộ di tích gốm cổ trên đất Bình Định.
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật phế tích Tháp Mẫm.
Qua các cuộc khai quật lò gốm Gò Sành, có thể nói lần đầu tiên đội ngũ cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh được làm việc với một đội ngũ khoa học xã hội đầu ngành là những Giáo sư, Tiến sĩ của Viện Khảo cổ học Việt Nam. Thông qua việc phối hợp nghiên cứu này, những cán bộ của Bảo tàng vốn chỉ được đào tạo chuyên ngành Bảo tàng và Lịch sử, đã có cơ hội tiếp xúc, học hỏi nhiều kinh nghiệm về khai quật khảo cổ học, một lĩnh vực còn rất mới trên địa bàn tỉnh thời điểm đó. Bên cạnh đó, trong các cuộc khai quật Gò Sành, cán bộ Bảo tàng còn có cơ hội làm việc và học hỏi rất nhiều về phương pháp làm việc khoa học từ các chuyên gia đến từ Nhật Bản.
Những lần phối hợp hiệu quả trên là tiền đề để giai đoạn tiếp theo Bảo tàng Tổng hợp tỉnh xúc tiến cử cán bộ đi học chuyên ngành khảo cổ học. Sau đó, nhằm mở mang hơn về tầm nhìn trong nghiên cứu khoa học, cũng như tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã mạnh dạn đặt vấn đề phối hợp nghiên cứu với nhiều đơn vị nghiên cứu khác trên cả nước.
2.
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã rất linh hoạt và đa dạng trong việc tìm đối tác là các trung tâm và Viện nghiên cứu khoa học xã hội lớn trên cả nước. Trong đó, đặc biệt chú ý đến thế mạnh của từng đơn vị đối với vấn đề khoa học mà mình triển khai nghiên cứu. Sự phối hợp này không những mang lại hiệu quả cao trong việc làm sáng rõ những vấn đề lịch sử lớn trên mảnh đất này mà còn góp phần tăng thêm những hiện vật có giá trị bổ sung cho Bảo tàng.
Cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tiếp nhận khẩu súng thần công trục vớt tại Cảng Thị Nại (Quy Nhơn). Ảnh: VĂN LƯU
Giai đoạn từ năm 2000 đến nay, đã có thêm nhiều dự án hợp tác nghiên cứu khoa học của Bảo tàng mang lại hiệu quả cao, như hợp tác với Bảo tàng Hoàng Gia Bỉ tiến hành cuộc khai quật tại Gò Hời (xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn); phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật di chỉ Động Cườm (xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn), khai quật Thành Hoàng Đế (Nhơn Hậu, An Nhơn); phối hợp với Trung tâm nghiên cứu khảo cổ (thuộc Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) khai quật tháp Dương Long, phối hợp với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tiến hành khai quật di tích tiền Sa Huỳnh tại Truông Xe (xã Mỹ thắng, huyện Phù Mỹ)...
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cũng tranh thủ những đơn vị chủ động đặt vấn đề phối hợp nghiên cứu di tích trên địa bàn tỉnh nhưng bằng nguồn kinh phí của họ. Bởi lẽ, nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, khai quật dành cho Bảo tàng hàng năm là rất hạn hẹp. Trong đó, việc phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Kinh thành là một minh chứng. Cuối năm 2014, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã liên kết được với một đối tác mới đó là Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) tiến hành khai quật Di tích Khu lò gốm Trường Cửu (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn), góp phần làm sáng rõ về lịch sử hình thành, phát triển của đồ gốm Bình Ðịnh trong giai đoạn lịch sử văn hóa Chămpa. Đến cuối năm 2015, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành lại tiếp tục phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tiến hành khai quật di tích Thành Cha (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn), kết quả gợi mở nhiều vấn đề khoa học có giá trị.
Việc phối hợp nghiên cứu, khai quật với nhiều Trung tâm, Viện nghiên cứu khoa học lớn trong nước đã giúp cho đội ngũ cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tích lũy được kinh nghiệm, tiến đến tự chủ trì một số cuộc khai quật khảo cổ học ở quy mô vừa và nhỏ như khai quật tháp Dương Long năm 2006, phế tích tháp Lai Nghi năm 2013, phế tích tháp Rừng Cấm năm 2014… Qua đó, tạo cơ sở để Bảo tàng Tổng hợp tỉnh mạnh dạn hơn trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu và sưu tầm ở nhiều chuyên đề khác nhau, cũng như tiếp tục mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả hơn nữa trong thời gian đến.
NGUYÊN VIỆT