SỔ TAY
Nâng cao ý thức người tham gia lễ hội
Mùa xuân đang đến, đồng nghĩa với mùa lễ hội trên cả nước cũng sắp sửa vào “thời vụ”. Một số lễ hội có quy mô tổ chức lớn từ nhiều năm qua bên cạnh giá trị tinh thần, cũng kèm theo đó nhiều hình ảnh phản cảm. Đó là tình trạng ăn xin tràn ngập; là vệ sinh nhếch nhác, mất mỹ quan; là trật tự an ninh lộn xộn, thậm chí chen lấn, xô đẩy, tranh - cướp lộc; là chuyện “chặt chém” giá cả dịch vụ hay câu kéo, làm phiền du khách; là vấn nạn cờ bạc, mê tín dị đoan… Tất cả làm cho lễ hội giảm vui, thậm chí chứa đựng nguy cơ rủi ro cao, làm phai nhạt ý nghĩa “gốc”đầy tốt đẹp, nhân văn tự bao đời nay.
Trước và trong mùa lễ hội, chính quyền địa phương và các ngành chức năng lại phối hợp tăng cường công tác quản lý, thanh kiểm tra… nhằm hạn chế tiêu cực. Thiết nghĩ, dẫu công tác quản lý có phát huy hiệu quả đến mấy thì vẫn chỉ có thể quản lý được về mặt “bề nổi” của lễ hội. Tức là, có thể bộ mặt lễ hội sẽ nề nếp, mỹ quan hơn khi cải thiện được các khâu vệ sinh, tăng cường an ninh trật tự hay mạnh tay với nạn mê tín dị đoan… Điều này là rất cần thiết nhưng dường như chưa đủ để thay đổi về “chất” của lễ hội. Hơn nữa, vấn đề tăng cường công tác quản lý lễ hội xét đến cùng là… bất đắc dĩ, không khác gì sự thừa nhận văn hóa đi lễ hội của cộng đồng đang xuống cấp đến hồi “báo động”.
Yếu tố quyết định nhất tạo nên một lễ hội đẹp hay không đẹp nằm ở ý thức người tham gia lễ hội. Lễ hội sinh ra từ đời sống cộng đồng và quay trở lại phục vụ đời sống cộng đồng, tức là đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của người dân. Chỉ có chủ thể văn hóa này mới quyết định được chất lượng lễ hội. Tuy nhiên, dường như một bộ phận lớn người tham gia lễ hội đã và đang lầm tưởng, ngộ nhận lễ hội là nơi tổ chức trình diễn của các nhà quản lý lễ hội, là nhiệm vụ của một tổ chức nào đó, còn họ chỉ đóng vai trò là khách, khán giả, chỉ đến xem và chơi một cách thụ động. Họ quên mất rằng mỗi cá nhân là một chủ thể trong cộng đồng chủ thể của lễ hội.
Ngày nay, một bộ phận lớn người tham gia lễ hội theo một cách đầy “thành tâm” mang màu sắc vị kỷ, với mục tiêu cầu may cầu tài cầu lợi cho bản thân, gia đình. Và, những biến tướng, lệch lạc, nhạt phai bản sắc hay bộ mặt phản cảm từ lễ hội chính là tấm gương phản chiếu cho ý thức xuống cấp của người tham gia lễ hội.
KHẢI THƯ
Một câu nói mà 2 tờ báo dẫn khác nhau. Không biết tác giả Khải Thư và D.Ngân có là một không? Lời chuyên gia thì cần dẫn đúng chứ. http://www.baohaiquan.vn/Pages/Y-thuc-nguoi-di-le-hoi-da-thay-doi.aspx