Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh: Nhiều nỗ lực vượt khó
Khó khăn đủ bề, nhưng Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh vẫn từng bước nâng cao chất lượng điều trị. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn nỗ lực tham gia vào hoạt động PHCN cộng đồng.
Bệnh viện PHCN tỉnh được thành lập năm 2004, nằm trên địa bàn xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, là bệnh viện chuyên khoa hạng III với quy mô 50 giường bệnh; hàng năm thu dung điều trị nội trú 500-700 bệnh nhân. Cơ sở hạ tầng được xây dựng từ những năm 1990-1995, hiện đã xuống cấp và không đảm bảo nhu cầu sử dụng; diện tích sử dụng hạn chế, chỉ 1.450m2; trang thiết bị rất thiếu so với nhu cầu của một bệnh viện chuyên khoa PHCN tuyến tỉnh.
Mở rộng hoạt động điều trị
Cách đây hơn 4 năm, bà Bạch Thị Kim Lan (45 tuổi, ở xã Cát Sơn, huyện Phù Cát) phát hiện mắc chứng thoái hóa cột sống lưng. Điều trị khắp nơi nhưng vẫn đau nhức liên miên, nhà làm nông nhưng bà chỉ quẩn quanh nấu cơm, quét dọn. 6 ngày trước, bệnh lại trở nặng, đến mức chẳng đi lại được, bà tìm đến Bệnh viện PHCN tỉnh. Cùng với nhiều bệnh nhân nội trú khác, bà được điều trị bằng kỹ thuật Paraffin. Paraffin nóng chảy ở nhiệt độ 52-530C đông lại, đặt trên lưng của bà Lan ngay vị trí đau. “Hôm qua giờ tui đã đi lại được, bớt đau hẳn”, bà vui vẻ cho biết.
Trang thiết bị hỗ trợ từ các dự án được sử dụng hiệu quả, giúp người bệnh PHCN.
Bắt đầu triển khai từ đầu tháng 9.2015, đến nay đã có 2.377 lượt bệnh nhân được điều trị bằng Paraffin tại Bệnh viện PHCN tỉnh. Đây là một trong những kỹ thuật mới được Bệnh viện tập trung thực hiện để nâng cao hiệu quả điều trị. “Bên cạnh đó, những kỹ thuật liên quan đến thủy trị liệu cũng là thế mạnh của chúng tôi. Các kỹ thuật này đã được BHYT thanh toán”, Giám đốc Bệnh viện Võ Viết Ánh cho hay.
Trong điều kiện trang thiết bị còn thiếu thốn, những vật tư y tế từ nguồn hỗ trợ đều được Bệnh viện cố gắng đưa vào sử dụng. Đáng chú ý là máy kéo dãn cột sống và các dụng cụ luyện tập PHCN được hỗ trợ bởi Dự án Hỗ trợ y tế vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Số máy móc, dụng cụ này đã phát huy hiệu quả trong quá trình luyện tập PHCN cho bệnh nhân đột quỵ - đối tượng bệnh nhân chủ yếu của Bệnh viện.
Từ ngày 1.1.2016, Thông tư 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT có hiệu lực thi hành. Người có BHYT phải có giấy chuyển viện khi đến khám bệnh tại Bệnh viện PHCN, phần nào làm giảm lượng bệnh nhân đến khám, điều trị. “Trước tình hình đó, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo TTYT và các trạm y tế lân cận để tăng cường công tác phối hợp, chuyển tuyến bệnh nhân phù hợp với quy định. Song, quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng điều trị để thu hút bệnh nhân”, Phó Giám đốc Bệnh viện Võ Ngọc Phải khẳng định.
Tham gia PHCN cộng đồng
Đầu tháng 10.2015, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển PHCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Một trong những mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là đầu tư phát triển Bệnh viện PHCN quy mô 70 giường bệnh, có đầy đủ trang thiết bị và phát triển chuyên môn, kỹ thuật chuyên sâu về PHCN theo danh mục quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại để đạt mục tiêu này. Bệnh viện vẫn chưa có khu cận lâm sàng, phòng xét nghiệm tạm bợ, máy X-quang mới được trang bị nhưng chưa có nơi lắp đặt để vận hành. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu như điều trị bằng oxi cao áp, laser công suất cao, laser nội mạch… chưa triển khai được do thiếu thiết bị.
Nhiều năm qua, Bệnh viện cũng không tuyển được bác sĩ. Do đó, để thực hiện nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch Phát triển PHCN tỉnh, Bệnh viện đang cử người đi học bác sĩ, cử nhân điều dưỡng tại Trường ĐH Y dược Huế. Bác sĩ Võ Ngọc Phải cho biết, tới đây, sẽ có 1 người học cử nhân Trung y học ở Trường ĐH Y Hà Nội; 5 người học cử nhân PHCN theo chương trình hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ.
“Nhận thức được khó khăn chung về kinh phí của ngành và địa phương, nên chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện xã hội hóa, tranh thủ các nguồn hỗ trợ để từng bước bổ sung trang thiết bị. Đồng thời, tích cực quảng bá qua website, tờ rơi, gửi thông báo về các cơ sở y tế trên địa bàn… Phát triển mạnh PHCN dựa vào cộng đồng cũng là một hướng đi quan trọng, vừa thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, vừa gầy dựng niềm tin trong người bệnh”, bác sĩ Võ Viết Ánh khẳng định.
NGUYỄN VĂN TRANG