25 ý tưởng mà các tòa soạn báo phi lợi nhuận không thể bỏ qua
Đa dạng hóa dòng doanh thu; Tiến hành hoạt động đào tạo từ bên trong; Tận dụng hiệu quả những số liệu thu thập được... những ý tưởng đôi khi đơn giản nhất lại có hiệu quả nhất.
Một nhóm nhỏ các chuyên gia của trang web báo chí Poynter đã tới khoảng hơn 10 đơn vị tin tức hoạt động có lợi nhuận và phi lợi nhuận trong năm 2015 để thu thập và chia sẻ tại một sự kiện có tên gọi Nonprofit News Exchange. Dưới đây là 25 ý tưởng xuất hiện ở rất nhiều tòa soạn trong số những nơi các chuyên gia đã tới thăm, mà ai cũng có thể áp dụng tại tòa soạn của mình.
(Nguồn: poynter.org)
1. Hiểu được nhiệm vụ của mình Khi tạo dựng đội ngũ nhân viên, hãy tìm kiếm những người hiểu được nhiệm vụ của mình và luôn trao đổi về những điểm chính của công việc một cách rõ ràng nhất. Đây là một lợi thế mà các hãng tin khởi nghiệp dường như vượt trước những hãng tin đã có tên tuổi đang tìm cách chuyển mình và vật lộn với việc làm cho nhân viên thích nghi. 2. Bắt đầu bằng một ý tưởng mới Cần phải có một khái niệm hay và mới mẻ về nội dung, có khả năng đáp ứng nhu cầu của một nhóm đối tượng chưa được thỏa mãn trước đó. Có thể ý tưởng này sẽ cần một số sự điều chỉnh khi đưa vào thực hiện, nhưng để tồn tại được thì ý tưởng đó trước hết phải đặc sắc. 3. Tập huấn nội bộ Cần có những chuyên gia về báo chí dữ liệu để tạo ra những phóng sự điều tra có sức ảnh hưởng lớn, nhưng rất khó để tìm được những chuyên gia như thế và mức lương cho những người như vậy cũng khá cao. Hãy tìm kiếm cơ hội đào tạo nhân viên của riêng bạn và cho phép họ phát triển chuyên môn cùng các kỹ năng trong công việc. 4. Tìm một đối tác Hãy cân nhắc việc cộng tác hay thiết lập quan hệ đối tác về mặt nội dung. Với những hãng tin nhỏ, đây là cách thức tuyệt vời để làm đòn bẩy cho cho hoạt động đưa tin cũng như tiếp cận một lượng khán giả lớn hơn. Đôi khi sẽ phải mất phí mua nội dung, nhưng việc tạo quan hệ hợp tác thường rất đáng giá. 5. Đừng mất tiền cho những thứ có thể nhận miễn phí Trước khi bỏ ra một số tiền lớn mua phần mềm phân tích chiến lược hay bất cứ công cụ kỹ thuật số nào khác, hãy xem xét những lựa chọn có giá cả hợp lý hơn. Những công ty như Google hay Knight Foundation có vô số công cụ miễn phí dành cho các nhà báo. 6. Hãy mang tính “xã hội” hơn Mạng xã hội cho phép tiếp cận và thu hút một lượng lớn khán giả, cũng như là một nguồn cung cấp các nội dung tin tức rất có giá trị. Hãy dành thời gian xây dựng một chiến lượng truyền thông xã hội và trao quyền cho nhân viên sử dụng mạng xã hội để hỗ trợ công việc và kết nối với khán giả. 7. Đặt khán giả lên trên hết Sự tham gia có hiệu quả của khán giả là một cách hữu hiệu để xây dựng lòng trung thành với thương hiệu - điều mà mọi hãng tin đều khao khát. Bạn không thể thành công khi chỉ làm việc hời hợt trên bề mặt theo kiểu hỏi xin ý kiến bình luận hay cung cấp tin tức. Nếu ngay từ đầu bạn đã nghĩ đến chuyện tạo điều kiện cho khán giả tham gia, thì rất có thể bạn sẽ có được những tin tức nổi bật so với các đối thủ khác. 8. Trao quyền cho khán giả Khả năng tham gia vào câu chuyện của khán giả là vô tận, đặc biệt là khán giả địa phương. Việc tiếp cận khán giả và bám sát họ là chìa khóa thành công của bạn. Hãy tìm những cơ hội có ý nghĩa để đưa ý kiến và quan điểm của khán giả vào quá trình sản xuất tin tức. 9. Để mọi người bàn tán Khi lựa chọn nội dung tin tức, nhất là với những dự án phóng sự điều tra, hãy tìm những gì có thể khiến mọi người phải bàn tán không dứt, thậm chí dẫn đến những sự kiện mang tính cộng đồng thì càng tốt. 10. Tận dụng hết các số liệu Hãy theo dõi kỹ các số liệu để biết xu hướng hiện nay là gì, từ đó đưa ra quyết định xuất bản tin tức. Người đọc quan tâm tới những chủ đề nào nhất? Những tin tức nào không thu hút sự chú ý? Bằng việc có được số liệu về lượt truy cập, thời gian sử dụng trang web, lượt chia sẻ trên mạng xã hội... bạn có thể bảo đảm hoạt động đưa tin của mình cộng hưởng với người đọc tin. 11. Nhưng hãy biết rằng có những thứ không thể đo đếm Bạn không thể dựa hoàn toàn vào những số liệu. Có những hoạt động không thể lượng hóa, và đó là chuyện bình thường. 12. Bạn đang hoạt động như một doanh nghiệp Một tầm nhìn chiến lược hoành tráng sẽ không có ý nghĩa gì nếu không có kế hoạch kinh doanh vững chắc. Hãy nhớ dồn sức cho việc lập kế hoạch và dành nhiều nỗ lực cho khía cạnh kinh doanh của tổ chức, dù là phi lợi nhuận. 13. Hoạt động ở mức chi phí thấp Ngay cả những hãng tin khởi nghiệp lớn nhất cũng thường hoạt động trong những văn phòng khiêm tốn. Một số công ty chọn cách trả lương cạnh tranh để thu hút nhân tài, nhưng một số khác thì lại tìm kiếm những nhân viên tận tụy sẵn sàng nhận công việc với mức lương thấp hơn nơi khác một chút. 14. Đa dạng hóa nguồn thu Những nguồn thu chính của các hãng tin phi lợi nhuận có thể bao gồm tổ chức các sự kiện, phí thành viên, quỹ địa phương và tiền ủng hộ của cá nhân. 15. Phối hợp các nguồn thu Không có cách tiếp cận nguồn thu duy nhất nào có thể dùng được trong mọi trường hợp. Hãy thử nghiệm các cách khác nhau và cân nhắc xem cơ hội nào phù hợp với nhiệm vụ, đối tượng khán giả và vị thế của bạn. 16. Nghĩ xa hơn quảng cáo Vì có ít lượt truy cập, nhiều trang tin tức có thể hoạt động thành công hơn nhờ tài trợ thay vì chỉ quảng cáo. Thông qua các sự kiện, hoạt động tài trợ độc quyền hay chỉ đơn thuần là nhắc đến thương hiệu, các doanh nghiệp đã ngầm thể hiện sự hỗ trợ của họ với mục tiêu hoạt động mang tính xay dựng của trang web và độc giả. 17. Theo dõi mức độ tác động Đo đếm tác động là một thử thách khó khăn, nhưng cũng rất đáng để nỗ lực. Những nhà tài trợ coi trọng mức độ tác động đến độc giả của hãng tin. Hãy tìm cách để theo dõi kết quả của những tin tức mà bạn mang lại cho khán giả. 18. Luôn tiến về phía trước để không bị thụt lùi Điều hành một tổ chức phi lợi nhuận vừa là một cuộc đua nước rút mà cũng vừa là một cuộc chạy marathon đường dài. Hãy luôn luôn đổi mới và và đổi mới liên tục nếu không muốn bị nhấn chìm. 19. Đứng lên nhanh chóng sau thất bại Tòa soạn cần phải liên tục thử nghiệm để theo kịp những thay đổi trong ngành. Hãy thử nghiệm nhanh nhất có thể, với chi phí thấp nhất có thể, và thường xuyên nhất có thể. Nếu thử nghiệm không thành công, hãy rút kinh nghiệm để áp dụng cho những lần sau. 20. Quan tâm đến bản thân Nhà sáng lập, quản lý và các nhóm trưởng luôn dành thời gian và sức lực cho nhân viên mà quên đi bản thân mình. Hãy phân chia công việc và dành thời gian nghỉ ngơi. Những nhà lãnh đạo biến mình thành tấm gương tốt sẽ dẫn dắt được một đội ngũ làm việc hiệu quả. 21. Chú trọng văn hóa công ty Văn hóa công ty là chất keo vô hình gắn kết hoạt động của cả tổ chức. Hãy tỉnh táo và xây dựng một nếp văn hóa coi trọng sự hợp tác, cải tiến và tinh thần tập thể. 22. Tìm kiếm chuyên gia kỹ thuật số Hãy tìm những nhân viên có khả năng mang tư duy coi kỹ thuật số là trên hết (digital-first) đến với tổ chức, và trao quyền để họ hợp tác và chia sẻ kiến thức. Đừng bỏ mặc mọi chuyện cho “những người trẻ tuổi.” 23. Chia sẻ chi phí với các tổ chức khác Ban đầu, hãy cân nhắc việc thuê chung văn phòng với một tổ chức phi lợi nhuận đã có tiếng tăm hơn và có thể thực hiện chung một số hoạt động chức năng. 24. Lên kế hoạch kế nhiệm Khi đã vượt qua mọi thử thách, hãy nghĩ đến việc chuẩn bị cho sự kế nhiệm. Những nhân vật cốt cán như bạn một lúc nào đó sẽ quyết định nghỉ hưu hoặc lên cấp cao hơn. Hãy đảm bảo tổ chức của bạn tiếp tục phát triển sau này. 25. Khi tất cả đều thất bại, hãy ra ngoài tản bộ Đôi khi giải pháp tốt nhất cho những vấn đề kỹ thuật là hãy rút dây cắm thiết bị, ngừng một chút rồi lại cắm vào. Điều này cũng đúng với con người. Người ta hay quên một điều là đi ra khỏi văn phòng và hít thở không khí bên ngoài có khả năng giúp hồi phục thế nào.
Theo MAI NGUYỄN (VIETNAM+)