Nguồn lực quan trọng nhất chính là con người Việt Nam
“Nguồn lực quan trọng nhất để phát triển chính là con người Việt Nam”, đó là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (ảnh) trong cuộc trao đổi với báo chí nhân dịp năm mới 2016 và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
P.V: Văn kiện Đại hội XII chỉ ra là cần kết hợp và triển khai hài hòa các yếu tố tạo thành động lực phát triển đất nước. Một trong những nhân tố đó là phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Theo đồng chí, sức mạnh đại đoàn kết ấy cần được cụ thể hóa thành hành động như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN: Chúng ta biết, vấn đề phát huy sức mạnh đại đoàn kết không chỉ trong văn kiện của Đại hội XII mà hầu như Đại hội nào cũng nêu vấn đề đó. Sau 40 năm giải phóng và phát triển đất nước, chúng ta cũng cần đánh giá lại đại đoàn kết được phát huy như thế nào. Chúng tôi thấy hiện nay, đại đoàn kết có nhiều mức mà giai đoạn sau thêm một phương thức mới, tổng thể vẫn tiếp tục cái cũ, nội dung có thể mới. Đại đoàn kết là chung tay mà làm. Ví dụ như năm 1945, đồng bào bị đói, Bác Hồ có nói mỗi một tuần một người giúp đồng bào một nắm gạo cứu đói. Một người, một nắm gạo có thể không cứu được ai, nhưng triệu người, triệu nắm gạo thì cứu được nhiều người. Như vậy, đại đoàn kết đơn giản nhất là mỗi người chung tay làm một việc nào đó. Trong kháng chiến chống Pháp, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Pháp đi bằng ô tô, máy bay để thả hàng tiếp tế, còn Việt Nam thì đi bộ, đi xe thồ. Một cái xe thồ chở lúc xuất phát là 90kg gạo thì đến nơi bàn giao còn không quá 5kg. Mỗi người xe thồ góp 5kg để nuôi bộ đội thì không nuôi được, nhưng chúng ta có hàng vạn xe thồ để thành hàng vạn tấn gạo. Vậy nên, đại đoàn kết hiểu đơn giản nhất là một người làm thì thấy rất nhỏ bé, nhưng nhiều người góp sức thì thành sức mạnh.
Bài học đó, bây giờ chúng ta vẫn phát huy. Nhưng bây giờ qua thực tiễn, bài học đại đoàn kết còn có những phương thức khác phát triển hơn. Chẳng hạn như vấn đề xóa đói, giảm nghèo, không phải chỉ cho tiền là thoát nghèo, mà chúng ta phải hướng dẫn cách làm ăn, theo dõi, hỗ trợ. Nếu không có những người láng giềng là phụ nữ nhận giúp hộ này, cựu chiến binh giúp cựu chiến binh, các hộ được Hội Nông dân phân công giúp nhau thì không làm được. Như vậy, bước phát triển cao hơn là nhiều người hỗ trợ cho một người để người ta vươn lên một trạng thái mới. Tức là không còn tự phát nữa, mà phân công có tổ chức và nhằm vào đối tượng cụ thể. Đấy là phương thức chúng ta rút kinh nghiệm qua thực tiễn. Hay để hội nhập thành công thì doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh, phải có sáng tạo. Như vậy giữa doanh nghiệp, giữa các nhà khoa học, giữa cơ sở đào tạo và các đoàn thể phải phối hợp với nhau để hình thành lớp công nhân, lớp doanh nhân, kỹ sư, các đề án khoa học. Nhà nước có chủ trương, chính sách hỗ trợ nhưng tự đoàn thể phải làm, doanh nghiệp phải vào cuộc, mặt trận phải liên kết các tổ chức, các tầng lớp để làm. Phải tạo thành ý thức, phong trào. Như vậy là nắm tay để làm chứ không dừng ở chung tay; không phải chỉ là phối hợp trong khối mặt trận mà phải nắm tay của các khối để làm và phục vụ cho mục tiêu chung. Từ phát triển cơ sở, nông thôn mới, đô thị văn minh đến người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, cao hơn là năng suất, chất lượng hiệu quả, hội nhập thắng lợi.
Theo đồng chí, đâu là trung tâm đại đoàn kết đất nước?
Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN: Chúng tôi cho rằng, đại đoàn kết cũng phát triển cùng đất nước và qua thực tiễn chúng ta sẽ khái quát hơn. Trong đó, có một yếu tố rất quan trọng là: trung tâm đại đoàn kết của đất nước là ai? Đó chính là sự gương mẫu, sự tiên phong của những người đảng viên và tổ chức Đảng. Điều này mới đem lại niềm tin cho người dân, đấy là trụ cột của đại đoàn kết. Mặt trận là hạt nhân để liên kết, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, nhưng có một điều kiện là chính những người đảng viên nhận trách nhiệm trước đất nước, có quyền lãnh đạo thì phải thực sự là những người gương mẫu, tiên phong. Đấy cũng là một quá trình nhận thức, Đảng là lãnh đạo Mặt trận, cũng là thành viên Mặt trận.
Chúng ta có điều kiện để tổng kết 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 30 năm đổi mới. Định hướng phát triển theo Đại hội XII chính là nền tảng để chúng ta có cơ hội biến những khả năng thành hiện thực, biến những may mắn từ tiềm năng thành hạnh phúc cho mình. Chúng ta học từ quá khứ, học từ hiện tại và làm theo quy luật, tận dụng sức mạnh thời đại thì sẽ thành công. Nhìn thẳng vào sự thật, những gì làm tốt, chưa tốt, chỉ rõ nguyên nhân và cách khắc phục những yếu kém. Xét tổng thể, chưa bao giờ chúng ta có cơ hội phát triển đất nước tốt đẹp như bây giờ: nhiều bài học về kinh tế thị trường; quy mô kinh tế trên 200 tỷ USD; thu nhập đầu người trên 2.000USD; quan hệ quốc tế rộng rãi và sâu sắc; các đối tác chiến lược, các hiệp định thương mại tự do với những nền kinh tế lớn, quan trọng nhất thế giới. Cũng chưa bao giờ cộng đồng kiều bào Việt Nam về nước nhiều, gắn bó như bây giờ. Dĩ nhiên, cũng chưa bao giờ thách thức lớn như bây giờ. Nhưng giữa thời cơ và thách thức, chúng ta chấp nhận thách thức để phát huy nội lực và thời cơ, thời đại. Chúng tôi tin rằng, năm 2016 sẽ là một năm chuyển mình mới của đất nước.
Thưa đồng chí, nguồn lực là một nội dung rất quan trọng để chúng ta có thể hội nhập thành công. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nguồn lực chưa thực sự được phát huy. Vậy thì làm thế nào để chúng ta có thể phát huy tối đa nguồn lực nhằm phát triển đất nước và hội nhập nhanh hơn?
Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN: Khi bàn về phát triển 5 năm, 10 năm, cái lo nhất của chúng ta là sợ thiếu tiền, ít người nói lo là sợ thiếu người có trình độ. Cái lo thứ hai là sợ thiếu đất, không có đất để đầu tư. Những mối lo đó là đúng cả. Đất đai thì hữu hạn, đô thị phát triển thì đất càng hạn hẹp. Tiền nếu thiếu có thể huy động trong nước hoặc vay nước ngoài, nhưng vốn muốn tăng nhiều thì phải vay và phụ thuộc nước ngoài.
Để phát triển lâu dài, phải tăng nguồn lực. Nguồn lực đó suy cho cùng là những tri thức mới ứng dụng vào quản lý và sản xuất, lao động tăng thêm trong quá trình sản xuất. Lao động có thể đào tạo, có khả năng sáng tạo. Trong khi hiện nay nhiều nước bị thiếu lao động vì mức sinh thấp thì Việt Nam vẫn tăng. Chúng ta không thiếu lao động, người Việt Nam có truyền thống sáng tạo. Theo thống kê của tổ chức trí tuệ, tổng sản phẩm nội địa đầu người Việt Nam đứng hàng thứ 7 trong 10 nước ASEAN, nhưng năng lực sáng tạo được xếp hạng thứ 4, còn cường độ kinh tế thì đứng hàng thứ 7/10 nước. Chứng tỏ rằng chúng ta có một lợi thế lớn là con người sáng tạo. Vậy nên, muốn phát triển đất nước thì phải tận dụng tốt nhất tài nguyên con người Việt Nam.
Lao động Việt Nam, về số lượng chúng ta còn gia tăng trong 30, 40 năm nữa. Khả năng sáng tạo và trình độ lao động ngày càng nâng cao. Ba yếu tố này cộng với đổi mới quản lý kinh tế, đổi mới thể chế sẽ là nguồn lực quan trọng nhất cho phát triển. Con người Việt Nam chúng ta tìm ra giải pháp cho mình, cùng với đó là học tập kinh nghiệm nước ngoài để phát triển thêm. Theo tôi, vừa qua chúng ta đã có nhiều chính sách chung để phát huy nguồn lực con người. Nhưng sắp tới, có lẽ không phải chỉ chính sách của Nhà nước, mà mỗi địa phương cần quan tâm phát huy con người, phát huy nhân tài. Mỗi tổ chức cần tham gia vào để hình thành lớp người trẻ chủ chốt. Cộng đồng doanh nghiệp trẻ phải được bồi dưỡng nâng cao năng lực, không để phát triển tự phát. Rất cần có một chương trình quốc gia khởi sự doanh nghiệp. Chúng ta cũng cần có nhiều cuộc thi sáng tạo, tôn vinh sáng tạo của từng giới, từ thanh niên, nông dân, phụ nữ... Mặt trận sẽ bàn với các ngành, các đoàn thể để hình thành một phong trào sáng tạo của 93 triệu người Việt Nam trong nước và 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài nhằm chia sẻ tri thức và phát triển tri thức mới.
Bước vào hội nhập thì sáng tạo là công cụ phát triển nhất để phát triển đất nước mà chúng ta làm chủ được. Trong thời cơ, thách thức hiện nay, nguồn lực quan trọng nhất chính là con người Việt Nam với truyền thống đại đoàn kết, gắn sức mạnh dân tộc và thời đại. Với sự lãnh đạo của Đảng, với những đường lối Đại hội XII vạch ra, chúng tôi tin rằng sẽ tạo được bước đột phá trong phát huy con người để tận dụng thời cơ bước qua thách thức.
Cảm ơn đồng chí!
Theo Lâm Nguyên (thực hiện- SGGP)