Tăng cường kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi:
Ðảm bảo ATVSTP, bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện nhiều doanh nghiệp và hộ chăn nuôi tại một số tỉnh, thành trong nước sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tại tỉnh ta, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng nói trên, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ngành chức năng của tỉnh lấy mẫu thức ăn chăn nuôi tại một hộ dân ở xã Hoài Xuân (Hoài Nhơn) để kiểm tra.
Lợi bất cập hại
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác ngành Nông nghiệp năm 2015 được tổ chức vào đầu tháng 1.2016, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, công tác đảm bảo ATVSTP trong chăn nuôi, trồng trọt đã được tăng cường, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đáng lo ngại là xu hướng sử dụng các chất cấm: clenbuterol, salbutamol và ractopamin thuộc nhóm beta-agonist trong thức ăn chăn nuôi có xu hướng lan rộng ở nhiều địa phương trong nước.
Các chất cấm nói trên khi được trộn vào thức ăn cho heo ăn sẽ làm cho heo tăng trọng nhanh, mông, vai nở, tỉ lệ nạc cao, màu sắc thịt đỏ hơn, trông rất bắt mắt, nên việc tiêu thụ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, người sử dụng sản phẩm gia súc có chứa các chất này sẽ bị tổn hại đến sức khỏe. Do vậy, Bộ NN&PTNT đã ban hành quyết định cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng một số hóa chất, kích thích tố trong đó có clenbuterol, salbutamol...
Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tuyệt đối không sử dụng các chất nằm trong danh mục cấm mà Bộ NN&PTNT đã quy định. Nhưng vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại và người chăn nuôi vẫn sử dụng các chất cấm với liều lượng cao cho vật nuôi ăn. Nhiều loại thú y, hóa chất và chế phẩm sinh học không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn được dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
“Sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín thị trường xuất khẩu sản phẩm động vật và sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Để sớm khắc phục những tồn tại nêu trên, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp và sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh sử dụng thuốc kháng sinh, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm. Nghiêm cấm tất cả các hình thức buôn bán thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học ngoài danh mục, nhất là các chất kích thích tăng trọng nhanh, tạo nạc, tạo màu vàng…”- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết.
Tăng cường kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi
Tỉnh ta có đàn gia súc, gia cầm (GSGC) khá lớn với 48.100 con trâu bò, 797 ngàn con heo và gần 7 triệu con gia cầm. Sản lượng sản phẩm GSGC cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng năm khá lớn, lợi ích của ngành nghề chăn nuôi mang lại là không nhỏ. Do vậy, việc ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhằm phát triển ngành nghề chăn nuôi theo hướng bền vững là cấp bách và cần thiết.
Theo Sở NN&PTNT, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự nguy hại của việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng, tháng 12.2015, Sở NN&PTNT đã phối hợp với ngành chức năng các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 2 đợt thanh tra, kiểm tra thực tế 45 tổ chức, cá nhân kinh doanh thịt heo, chăn nuôi heo trên địa bàn Quy Nhơn, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tuy Phước, Phù Mỹ; lấy 90 mẫu thịt heo, nước tiểu heo và thức ăn chăn nuôi để kiểm tra định tính (test nhanh) các chất cấm thuộc nhóm beta-agonist. Đáng chú ý, trong số 30 mẫu (6 mẫu thịt heo, 14 mẫu nước tiểu heo, 10 mẫu thức ăn) lấy đợt 1, có 1 mẫu nước tiểu của đàn heo thuộc hộ ông Võ Duy Thêm, ở thôn Hòa Trung 2, xã Hoài Xuân (Hoài Nhơn) dương tính với các chất clenbuterol, salbutamol. Ngoài ra, có 1 mẫu thức ăn chăn nuôi của ông Thêm cho kết quả dương tính với chất salbutamol. Trong số 60 mẫu đợt 2 cũng có 2 mẫu thức ăn chăn nuôi tại hộ ông Lê Duy, ở xã Hoài Tân (Hoài Nhơn) cho kết quả dương tính với chất salbutamol.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Loại thức ăn mà ông Võ Duy Thêm cho heo ăn có ghi trên bao bì là loại thức ăn hỗn hợp dạng viên, hiệu Master, sử dụng cho heo thịt từ 30 - 60 kg, của Công ty TNHH CJ VINA AGRI Chi nhánh Đồng Nai, Khu công nghiệp Dầu Dây, lô DN 21.11.2015 18:27, TCCS 38:2010/CJLA. Làm việc với Đoàn thanh tra, ông Thêm cho rằng, ông chỉ trộn cho heo ăn thuốc bột Tylandox. Để xác định một cách chính xác nhất, Đoàn thanh tra đã lẫy mẫu thuốc bột Tylandox và 4 mẫu (2 mẫu đợt 1 và 2 mẫu đợt 2) có kết quả dương tính với chất cấm gửi Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương II để phân tích định lượng các chất cấm. Kết quả cả 4 mẫu đều cho kết quả âm tính với các chất cấm.
Cũng theo ông Đào Văn Hùng, công tác kiểm tra sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được thực hiện đúng quy trình và quy định, nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều trở ngại bởi nhiều chủ trang trại, hộ chăn nuôi gia súc đã tìm cách né tránh. Nhiều cán bộ thú y ở cơ sở thường có mối quan hệ làm ăn với các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các cơ sở chăn nuôi, nên tính khách quan không cao. Các đối tượng vi phạm quy định của Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và cơ sở chăn nuôi cũng có sự chuẩn bị trước và có giải pháp để đối phó với cơ quan chức năng.
Do vậy, để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đạt hiệu quả, trong năm 2016, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh để có đủ thẩm quyền thực hiện các biện pháp khám xét nơi cất giấu các chất cấm chăn nuôi trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, khảo sát, thu thập thông tin cụ thể trước khi xây dựng kế hoạch kiểm tra xử lý các đối tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trong quá trình thực hiện kiểm tra, không thông báo cho địa phương nơi được kiểm tra biết, nhằm đảm bảo tính bất ngờ, khách quan. Khi lấy mẫu kiểm tra, phân tích phát hiện dương tính với chất cấm trong chăn nuôi sẽ có biện pháp truy xuất nguồn gốc nơi bán chất cấm để xử lý theo quy định.
PHẠM TIẾN SỸ