Tôn vinh “Bình Ðịnh với chữ Quốc ngữ”: Những ý kiến đề xuất
Từ thành công của Hội thảo khoa học “Bình Ðịnh với chữ Quốc ngữ” vừa được tổ chức, nhiều người đã quan tâm đề xuất cần có những hoạt động, công trình cụ thể để góp phần quảng bá, tôn vinh vai trò quan trọng của vùng đất Bình Ðịnh trong quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ.
Linh mục VÕ ĐINH ĐỆ (TP Quy Nhơn):
Đề nghị có lễ hội tôn vinh chữ Quốc ngữ
Theo các nguồn sử liệu, chúng tôi biết được các thừa sai dòng Tên ở Nước Mặn (từ giữa năm 1618, lúc thành lập cho đến đầu năm 1620) là những thừa sai tiên phong chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam. Đồng thời cũng được biết kết quả thực tiễn của việc học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo chữ Quốc ngữ trong giai đoạn tiên chinh của các thừa sai tại Nước Mặn.
Quả vậy, chữ Quốc ngữ hôm nay chúng ta đang dùng đã có một khởi đầu được đóng góp từ công sức của nhiều người, trong đó thành phần chủ chốt đầu tiên là số thừa sai dòng Tên làm việc tại Nước Mặn ở giai đoạn giữa năm 1618 đến đầu năm 1620.
Ngoài ra phải kể đến sự tham gia và đóng góp của những người Việt Nam, mà người đầu tiên phải kể đến là ông quan Trần Đức Hòa. Trong số những người đầu tiên ở giai đoạn đầu này còn có những vị sãi, người thanh niên 16 tuổi có tên thánh bổn mạng là Phêrô, những người buôn bán và bà con nông dân Việt Nam ở tại thương cảng Nước Mặn mà các thừa sai được tiếp xúc hằng ngày, những thương nhân Nhật Bản với vai trò thông ngôn...
Với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, chúng tôi mạo muội xin được đề nghị với quý cấp thẩm quyền nên chăng có một ngày Lễ hội Chữ Quốc ngữ được tổ chức như một điểm nhấn trong Lễ hội Đô thị Nước Mặn hằng năm (được tổ chức từ ngày 30 tháng Giêng đến mùng 2 tháng Hai âm lịch) tại chính nơi nó được sinh ra.
Tiến sĩ ĐINH VĂN HẠNH (Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh):
Xây dựng công trình văn hóa gắn với sự ra đời của chữ Quốc ngữ
Có dịp khảo sát, nghiên cứu đô thị Nước Mặn - Gò Bồi, chúng tôi nhận thấy dấu vết của thương cảng Nước Mặn còn lại rất ít. Mặt khác, có thể nó đã không có được một bến cảng như các thương cảng khác, nhưng không thể vì thế mà chúng ta lại gắn cho nó một tên gọi thấp hơn vị trí của nó trước đây.
400 năm đã trôi qua, những dấu vết của một thương cảng nổi tiếng một thời không chỉ đối với Bình Định mà cả Đàng Trong gần như không còn gì. Câu thành ngữ “bãi bể nương dâu” của người Việt thật quá đúng và nhiều cảm xúc lịch sử trong trường hợp cảng thị Nước Mặn. Việc phục dựng một di tích nào đó cũng không phải dễ dàng khi dấu vết còn lại quá ít ỏi, mờ nhạt. Nhưng, xây dựng một công trình văn hóa vừa tầm, mang tính biểu tượng, ghi dấu một thời của thương cảng Nước Mặn gắn với sự ra đời của chữ Quốc ngữ là một việc tỉnh Bình Định nên làm sớm…
Ông NGUYỄN VĂN DŨNG, Giám đốc Sở VH-TT &DL:
Sẽ đề xuất với lãnh đạo tỉnh có hình thức tôn vinh vai trò quan trọng hình thành chữ Quốc ngữ ở Bình Định
Trên cơ sở tham khảo các ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu có uy tín về dự Hội thảo, Sở VH-TT &DL sẽ xây dựng kế hoạch chuẩn bị lâu dài để có thể tham mưu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh có hình thức tôn vinh vai trò quan trọng hình thành chữ Quốc ngữ ở Bình Định một cách phù hợp, trang trọng và đạt được hiệu quả bảo tồn, phát huy, góp phần giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Một số nhà nghiên cứu tâm huyết đã đề xuất nên tổ chức kỷ niệm 400 năm hình thành chữ Quốc ngữ ở Bình Định trong năm 2018. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tu bổ, tôn tạo các điểm di tích văn hóa - lịch sử gắn với sự hình thành chữ Quốc ngữ ở tỉnh nhà. Chẳng hạn, tại Chủng viện Làng Sông sẽ đặt tấm bia có những thông tin về việc Nhà in Làng Sông ngày xưa đặt ở đây đã in những tác phẩm chữ Quốc ngữ đầu tiên...
HOÀI THU (ghi)