Trước “vấn nạn” xâm hại trẻ em gia tăng: Chủ động phòng ngừa, trang bị kỹ năng
Thời gian qua, công tác bảo vệ - chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong bức tranh nhiều mảng sáng ấy vẫn còn khoảng tối - đặc biệt là tình trạng xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng.
Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh phát hiện 132 vụ xâm hại trẻ em, tăng 45 vụ so với giai đoạn 2010-2014; bắt xử lý 199 đối tượng phạm tội, tăng 85 đối tượng so với cùng kỳ; có 164 trẻ bị xâm hại, tăng 63 em so với cùng kỳ. Nạn nhân đa phần là nữ, đặc biệt cả 18 trẻ bị xâm hại trong năm 2015 đều là nữ. Theo nhận định của Công an tỉnh, phần lớn các vụ xâm hại trẻ em xảy ra là xâm hại tình dục và bạo hành. Diễn biến các loại tội phạm này ngày càng phức tạp, có chiều hướng gia tăng.
Nhức nhối
Theo đại tá Thân Trọng Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), một số tiêu cực của đời sống xã hội đã tác động trực tiếp đến đời sống của từng gia đình, mỗi cá nhân, làm nảy sinh nhu cầu hưởng thụ ích kỷ, hẹp hòi, dẫn đến biến chất, bạo lực như hiếp dâm, giao cấu với trẻ em, giết trẻ em…
Trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho chính trẻ em là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nạn xâm hại trẻ em.
- Trong ảnh: Trẻ em thảo luận về chủ đề phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em tại lớp tập huấn kỹ năng tự bảo vệ và thực hiện quyền tham gia của trẻ em do Sở LĐ-TB&XH tổ chức cuối năm 2015.
Trong khi đó, công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình trong giáo dục trẻ chưa thành niên còn nhiều hạn chế, thiếu được quan tâm. Nhiều gia đình không quan tâm đến lối sống, sinh hoạt của con trẻ, thiếu quản lý, giáo dục kịp thời dẫn đến sa ngã, vi phạm pháp luật, bị xâm hại. Điển hình là vụ hiếp dâm xảy ra ở xã Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn) vào đầu năm 2013. Nạn nhân là P.H.N (khi đó mới 13 tuổi) đã bị 2 bạn nhậu lớn hơn 4 tuổi hãm hiếp sau khi uống rượu say.
Hay như trường hợp của Phạm Ngọc Châu (ở xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn) vừa bị 5 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Xuất phát từ ảnh hưởng độc hại của việc thường xem phim sex, khoảng 15 giờ ngày 3.11.2014, Châu đã “diễn như phim” với cháu T.T.H.P (4 tuổi, ở gần nhà). Tại thời điểm phạm tội, Châu mới 14 tuổi 2 tháng nên được áp dụng chính sách hình sự đối với người chưa thành niên.
Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khách quan, như địa hình cách trở khiến trẻ em khó tiếp cận các dịch vụ bảo vệ - chăm sóc. Theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thạnh Nguyễn Văn Long, đây là nguyên nhân chính làm cho tình trạng tảo hôn, trẻ em lao động sớm còn phức tạp ở xã vùng cao Vĩnh Sơn. “Trên địa bàn có các công trình thủy điện với nhiều công nhân từ nơi khác đến. Trẻ gái ở miền núi thì 12, 13 tuổi đã phổng phao lắm, lại nhẹ dạ nên dễ xảy ra chuyện đáng tiếc”, ông Long chia sẻ.
Trang bị kỹ năng cho trẻ em
Tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng nhức nhối đòi hỏi các ngành chức năng và gia đình phải cùng phối hợp thực hiện nhiều biện pháp tích cực. “Các vụ án xâm hại trẻ em cần được nhanh chóng xác minh, điều tra khám phá xử lý; đưa một số vụ án điển hình ra xét xử lưu động để răn đe, phòng ngừa tội phạm”, đại tá Thân Trọng Hải nhấn mạnh.
Hoạt động phòng ngừa phải tập trung vào những thanh thiếu niên chậm tiến, có tiền án, tiền sự, các băng nhóm trên địa bàn - những đối tượng có nguy cơ phạm tội xâm phạm tình dục. Đồng thời, phải loại trừ ngay những biểu hiện xấu. Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phù Mỹ Nguyễn Thị Thanh Nga nêu một thực tế đáng lo ngại là giữa giờ học, các em lại tập trung ở tiệm internet, quán cà phê. “Như các em Trường THPT Nguyễn Trung Trực tụ tập chở 3-4 em trên xe máy, lạng lách đánh võng. Cuối giờ chiều thì thường có Công an tuần tra, chứ buổi trưa và giữa giờ thường không có. Cần phải khắc phục ngay, không thì các em rất dễ hư hỏng”, bà Nga cho biết.
Và, một giải pháp rất quan trọng là trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh bị xâm hại cho trẻ em. Phải làm cho các em hiểu các nguy cơ bị xâm hại để phòng ngừa, nắm chắc kỹ năng để xử trí khi xảy ra tình huống bị xâm hại. Mới đây, giữa tháng 12.2015, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức lớp tập huấn kỹ năng tự bảo vệ và thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Trong đó, phần quan trọng nhất là thảo luận và trình bày theo nhóm về các kỹ năng tự bảo vệ và quyền tham gia của trẻ em. Kỹ năng bảo vệ khỏi bị xâm hại tình dục, kỹ năng tránh tác hại của mạng xã hội, kỹ năng phòng tránh bóc lột, bạo lực là những nội dung nhận được sự quan tâm, thảo luận sôi nổi.
Em Nguyễn Đức Nhật (Trường THCS phường Bình Định, thị xã An Nhơn) chia sẻ: “Những kiến thức, kỹ năng mà chúng em thu nhận được qua lớp tập huấn này không chỉ có ích cho mỗi người. Chúng em còn có thể chia sẻ với bạn bè cùng lớp, cùng trường trong những câu chuyện hằng ngày, để các bạn nâng cao cảnh giác và biết cách đối phó khi mình là người trong cuộc”.
NGUYỄN VĂN TRANG