Kiếm tiền lo Tết
Những ngày này, nhiều chị em vốn là lao động phổ thông hoặc thường ngày chỉ làm nội trợ, đang tất bật làm thêm với những công việc thời vụ để kiếm chút tiền cho Tết nhà mình được tươm tất.
Lo Tết cho gia đình
Từ đầu tháng Chạp, chị Lê Thị Nhàn (40 tuổi, ở đường Bạch Đằng, TP Quy Nhơn) là công nhân vệ sinh môi trường, đã nhận việc làm thêm. Ngoài giờ đi làm, chị nhận lột vỏ me, xắt gừng hoặc dọn vệ sinh nhà cửa… Hễ ai gọi làm gì, chị cũng sắp xếp thời gian tranh thủ để làm.
Chị Nhàn kể: “Chồng tôi bị bệnh chỉ ở nhà nên gia đình khó khăn, lại phải lo cho hai con học đại học. Ngày thường, tôi cũng nhận thêm việc gấp và dán túi giấy cho chồng cùng làm nhưng chỉ kiếm thêm khoảng 20.000 - 30.000 đồng/ngày. Gần tết, công việc thời vụ nhiều, tôi cố gắng nhận thêm việc, chồng phụ được gì thì phụ, còn lại mình làm, chỉ mong có chút tiền dành dụm mua vé tàu cho các con đi lại, mua sắm thêm cho gia đình trong những ngày tết”.
Chị Tuyết gọt củ gừng chuẩn bị làm mứt.
Cũng như chị Nhàn, chị Hậu Giang (47 tuổi, KV1 phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) thì bán thêm giấy cúng. Chị Giang làm tạp vụ ở Trung tâm Thương mại Hoàn Cầu theo ca, chồng chị chạy xe ôm, hàng ngày gia đình gói ghém lắm mới đủ chi tiêu. Tết đến, đủ các khoản chi từ mua quần áo mới cho con, cúng giỗ, chạp mả… khá tốn kém, nên năm nào vợ chồng chị cũng cố kiếm thêm việc làm để có thu nhập. Chuẩn bị cho Tết năm nay, chồng chị Giang làm thêm việc giao hàng cho siêu thị, còn chị nhận giấy cúng về xếp lấy tiền công và bán lẻ. Chị Giang huy động cả nhà, gồm hai con gái và mẹ cùng vào xếp giấy, để mỗi ngày có thể kiếm thêm vài chục ngàn đồng, sắm sửa tết.
Trên đường phố những ngày cuối năm tất bật, người ta còn bắt gặp hình ảnh những chị em làm nghề thu mua ve chai tạm gác gánh ve chai ở ngoài sân để nhận công việc dọn nhà, lau chùi vệ sinh kiếm thêm tiền; hay những chị công nhân nhận hàng công ty về bán giảm giá ở vỉa hè… Với họ, mọi vất vả, nhọc nhằn sẽ trôi qua khi gia đình có được một cái tết sum vầy, no đủ.
Niềm vui mùa Tết
Kê cái bàn trước cửa bán, bày lên đó các bình, tháp hoa kết từ củ tỏi hoặc viên kẹo, dùng để chưng trên bàn thờ ngày Tết, kế đó là các hũ tôm chua, mứt dừa, gừng, bò khô… đủ loại, vậy là chị Nguyễn Thị Hiền có một gian hàng tết ngay trên vỉa hè đường Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn. Chị Hiền cho hay, các vật phẩm chưng bàn thờ này được chị lấy từ TP Hồ Chí Minh của một người quen, năm nay có nhiều mẫu như hoa hướng dương, đài sen được làm cầu kỳ, đẹp mắt nên nhiều khách hàng tìm mua.
“Cứ gần Tết, gia đình tôi mới nhận về bán kiếm thêm thu nhập. Ngoài ra, tôi còn nhận bán các món ăn dịp Tết như tôm chua, mứt dừa, gừng, bò khô, đều là do bạn bè làm nên khách cũng yên tâm. Tôi vốn ở nhà không làm gì, sẵn có mặt bằng, nên Tết bán thêm chút ít, vừa có tiền tiêu tết mà bạn bè cũng có thêm thu nhập, chứ gần tết chi tiêu nhiều lắm”, chị Hiền trải lòng.
Dù kinh tế không khó khăn nhưng từ mùng 10 tháng Chạp, chị Nhung Tuyết (50 tuổi, ở đường Lê Thánh Tôn), đã cùng chồng lo lột vỏ, xắt và rim hơn 20 kg mứt gừng để bán tết. Chồng chị làm bảo vệ ở cơ quan nhà nước còn chị thì bán tạp hóa được hơn 10 năm. Chị Tuyết kể: “Mấy năm trước, tôi tranh thủ vừa bán hàng vừa rim mứt gừng cho gia đình dùng ngày tết. Khách quen của tiệm tới thấy ngon nên đặt làm giúp. Dần dần, cứ gần tết, tôi và chồng làm thêm khoảng vài chục ký mứt gừng bán vừa vui, có thêm thu nhập mà chiều lòng khách hàng quen của tiệm”.
Theo chị Tuyết thì chị chọn mua loại gừng sẻ, về ngâm nước, gọt vỏ, xắt lát mỏng, luộc vài nước cho bớt độ cay nồng và rim. Hai vợ chồng vui vẻ cùng nhau làm mọi việc, khách tới mua hàng tạp hóa thấy thau mứt gừng trắng thơm cứ đặt liên tục. Chồng chị Tuyết nhiệt tình giúp vợ, được khách khen miếng gừng xắt khéo, mứt ngon lại càng vui: “Những lúc không trực ở cơ quan, tôi phụ vợ làm, vừa có không khí tết, lại được khách mua mứt khen ngon là vui rồi, không quan trọng gì chuyện lời lãi”.
CÔNG HIẾU