An toàn giao thông đường sắt: Còn nhiều mối lo
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ TNGT đường sắt, làm 5 người chết và 5 người bị thương; so với năm 2014, tăng 3 vụ, tăng 2 người chết và tăng 4 người bị thương.
Điều đáng nói, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng của TNGT đường sắt chủ yếu xuất phát từ ý thức chấp hành quy định về an toàn đường sắt của người dân còn rất kém. Trong đó, người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông qua các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ phạm các lỗi phổ biến là không quan sát chú ý tàu hỏa và không thực hiện đúng chỉ dẫn của các biển báo tại các đường ngang không có người gác.
Thiếu chú ý quan sát, tầm nhìn bị che khuất là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT đường sắt thời gian qua.
Điển hình như vụ TNGT đường sắt tại km 1106+300 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam thuộc thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh xảy ra ngày 25.7.2015. Do thiếu chú ý quan sát nên anh Bùi Văn Xám (SN 1996) điều khiển xe máy chở theo anh Đào Văn Thi (SN 2000, cùng trú xã Canh Vinh) băng qua đường ngang đúng lúc tàu GS1 chạy qua. Vụ tai nạn khiến anh Xám tử vong, anh Thi bị thương nặng.
Vấn đề hành lang ATGT đường sắt chưa được đảm bảo cũng tạo nguy cơ TNGT đường sắt. Toàn tỉnh hiện có 223 điểm giao cắt đường bộ với đường sắt, trong đó có đến 158 đường dân sinh và lối đi trái phép. Để đảm bảo ATGT đường sắt, thời gian qua, các đội quản lý đường sắt của các địa phương có tuyến đường sắt đi qua đã tiến hành làm rào chắn thu hẹp đường dân sinh và lối đi dân sinh còn dưới 1,2 mét và cắm thêm biển báo chú ý tàu hỏa.
Ngoài ra, lực lượng CSGT cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan đến trật tự ATGT đường sắt. Trung tá Ngô Cự Vinh, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CA tỉnh, cho biết: “Nhằm kéo giảm TNGT đường sắt, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền và tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, như không để người, phương tiện qua đường sắt tùy tiện và cấm tuyệt đối các cửa hàng kinh doanh bám theo đường sắt tự tiện mở đường ngang, thì lực lượng sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá tất cả các đường ngang, qua đó, kiến nghị với ngành đường sắt, chính quyền địa phương để có những giải pháp hữu hiệu. Cụ thể, chúng tôi sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp: kiến nghị đóng các đường ngang dân sinh bất hợp pháp, bàn phương án làm tuyến đường gom dọc theo đường sắt để người dân đi qua đường sắt tại các điểm mở chính thức, kiến nghị bố trí người gác vào những giờ cao điểm tại những đường ngang chưa đảm bảo an toàn; kiến nghị nâng cấp, lắp đặt bổ sung thêm đèn, chuông cảnh báo, gác chắn tại các điểm nguy hiểm. Như, đường ngang tại km 1069+550 thuộc khu An Kim, thị trấn Ngô Mây, là một trong những “điểm đen” về mất ATGT đường sắt, nay đang được xây dựng, lắp đặt gác chắn”.
Dù vậy, bên cạnh các giải pháp quyết liệt như trên thì vấn đề đáng lưu tâm nhất vẫn chính là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông khi đi qua các nút giao cắt với đường sắt.
KIỀU ANH