Phạt nặng và hơn thế!
Năm 2016, mục tiêu của cả nước nói chung và Bình Định nói riêng là tiếp tục giảm từ 5 -10% số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT so với năm 2015.
Tuần trước, Chuyện cuối tuần đã đề cập về tình trạng lạm dụng rượu, bia trở thành nguyên nhân của nhiều vụ TNGT; đặc biệt là sự gia tăng các vụ TNGT trong tháng Chạp. Do đó, nếu không có giải pháp hạn chế tình trạng lạm dụng bia, rượu thì mục tiêu này sẽ là một thách thức, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Có một thực tế là lâu nay vi phạm nồng độ cồn chưa được xử lý mạnh tay do các lực lượng chức năng thi thoảng mới ra quân xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm. Vì thế, có không ít người không hề ý thức rằng mình đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi sau uống bia, rượu vẫn cầm lái điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Để hạn chế TNGT từ rượu, bia thì giải pháp hữu hiệu nhất là phải xử lý nghiêm những người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Hiện nay, việc xử phạt hành vi điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn ở nước ta được áp dụng theo Nghị định 171/2013/CP của Chính phủ. Cụ thể, người điều khiển ô tô có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt mức cho phép sẽ bị phạt ở mức thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất 15 triệu đồng (tùy theo nồng độ cồn đo được); tương ứng người điều khiển xe mô tô mức phạt thấp nhất 500 ngàn đồng, cao nhất 3 triệu đồng. Nếu so sánh với một số nước thì mức phạt này tương đối nhẹ nên đã có nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước có mức xử phạt nghiêm hơn. Chẳng hạn, bên cạnh mức phạt nặng bằng tiền có lẽ cũng nên tính đến việc xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sử dụng rượu, bia tham gia giao thông gây hậu quả nghiêm trọng để tăng tính răn đe.
Mặt khác, bên cạnh việc áp dụng các chế tài nghiêm khắc thì các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức của xã hội về tác hại, ảnh hưởng của rượu bia, mức xử phạt đối với những vi phạm…, nhằm tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cần áp dụng hình thức thông báo vi phạm về nơi cư trú, công tác để kiểm điểm… để tăng tính răn đe, phòng ngừa. Từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng cần xây dựng văn hóa giao thông, trong đó tiêu chí không uống bia, rượu khi tham gia giao thông cần phải đặt lên hàng đầu. Bên cạnh việc nâng mức xử phạt hành chính, Nhà nước cần nghiên cứu các biện pháp khác nhằm hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn tràn lan trong cộng đồng…
Mục tiêu cao nhất của các quy định về ATGT là vì sự an toàn cho xã hội và mỗi người. Tuy nhiên, bên cạnh các quy định của luật pháp, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông vẫn là điều quan trọng mang tính quyết định.
H.Đ