Đưa Tết về làng
Gần đến Tết Nguyên đán, trong khi người miền xuôi “ra ngõ đụng chợ”, cần gì có nấy, thì đồng bào miền núi, nhất là ở các thôn, làng xa xôi cách trở vẫn chật vật với việc sắm sanh cho ngày Tết. Vì thế, những chuyến hàng Tết bình ổn giá (BÔG) phục vụ bà con miền núi, vùng sâu vùng xa càng mang ý nghĩa thiết thực.
Phục vụ hàng BÔG dịp Tết Nguyên đán 2016, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để 3 huyện miền núi tổ chức các chuyến hàng về phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa. Trong đó, huyện Vân Canh được hỗ trợ 500 triệu đồng, huyện Vĩnh Thạnh 583 triệu đồng và huyện An Lão 810 triệu đồng.
Muốn đến được làng Canh Tiến, hàng hóa BÔG phục vụ Tết phải chuyển lên dời xuống từ xe tải, qua đò, rồi đến xe độ chế cõng hàng đến mấy bận.
- Trong ảnh: Đưa hàng hóa lên thuyền từ hồ Núi Một đến làng Canh Tiến.
“Gùi hàng” vượt núi
Sáng 19.1, Công ty cổ phần Tổng hợp (CTCPTH) Vân Canh tổ chức đưa hàng BÔG về làng Canh Tiến (xã Canh Liên) - điểm đầu tiên của hành trình bán hàng BÔG lưu động phục vụ người dân địa phương. Đây là 1 trong 2 điểm bán hàng lưu động khó nhất của huyện Vân Canh. Khởi hành từ 5 giờ sáng, mãi đến gần 10 giờ đoàn mới đưa được hàng đến nhà rông của làng. Làng Canh Tiến nằm biệt lập, dù thuộc xã Canh Liên nhưng đường từ huyện đến làng phải đi vòng mất đến 70 km qua hồ Núi Một (TX An Nhơn). Hàng hóa phải chuyển lên dời xuống, từ xe tải, qua đò, rồi lên xe độ chế đến mấy bận mới đến nơi.
Anh Nguyễn Văn Xuân, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính và Miền núi của CTCPTH Vân Canh - 1 trong 4 người trực tiếp mang hàng lên Canh Tiến đợt này, chia sẻ: “Năm nay, trời nắng ráo còn đỡ, chứ nhiều năm mưa gió mịt mùng, xe độ không chở hàng lên được, chúng tôi phải dựng lều bán ở ngay cạnh hồ Núi Một, ở lại qua đêm để phục vụ bà con. Canh Tiến là làng xa nhất của huyện; nhưng khó đến nhất phải kể đến làng Canh Giao (xã Canh Hòa). Mỗi chuyến đi Canh Hòa, anh em trong đoàn đều phải “tải” theo đồ ăn, nước uống để ở lại phục vụ”.
Hơn 30 năm qua trong nghề, hết Vĩnh Thạnh rồi đến Vân Canh, năm nào anh Xuân cũng tham gia mang hàng Tết lên khắp các rẻo xa. Anh bảo, bây giờ “đi hàng” khỏe hơn nhiều, chứ trước đây nhiều nơi cách trở, phải tự gùi hàng về tận nơi để bán cho bà con. Để đến được Canh Giao, làng Chồm… mọi người phải mặc quần đùi, bỏ dép, nhưng đường trơn trượt nên vẫn lấm lem...
Có trực tiếp tham gia chuyến “thồ hàng” cùng các anh về làng Canh Tiến mới hiểu những lời chia sẻ của anh Xuân là rất thật. Đường đi trắc trở, trước chuyến tải hàng, phải chuẩn bị mỗi người một chiếc võng cá nhân kèm mùng, mền. Chuyến hàng về làng Canh Tiến năm nay trị giá khoảng 150 triệu đồng, nhưng chi phí vận chuyển cũng tròm trèm 8-9 triệu đồng. Chưa xong chuyến hàng ở làng Canh Tiến, mấy anh em đã lại lo tiếp chuyện “cõng” thêm xoong, nồi, gạo, mắm muối để tự phục vụ trong những chuyến đi dài hơi về xã Canh Liên và làng Canh Giao.
Đến thời điểm này, 2 huyện An Lão và Vĩnh Thạnh cũng đã sẵn sàng kế hoạch đưa hàng Tết về các thôn, làng xa xôi. CTCPTH An Lão tổ chức 4 điểm bán hàng cố định và 42 điểm bán hàng lưu động ở 7 xã của An Lão và “chi viện” cho 2 xã của huyện Hoài Ân (Bok Tới, Đak Man). Năm nay, ngoài hàng Tết còn có đèn pin, áo mưa, tăng bạt, ủng lội nước, xăng dầu, phân bón…
Còn CTCPTH Vĩnh Thạnh phục vụ bán hàng cho người dân các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn, Vĩnh Hòa (Vĩnh Thạnh) và xã Vĩnh An (Tây Sơn). “Năm nay, Công ty mở thêm 2 điểm bán hàng lưu động ở vùng sâu, vùng xa là làng O2 (Vĩnh Kim) và làng Suối Cát (Vĩnh Sơn). Làng Suối Cát cách trung tâm huyện khoảng 60 km; còn O2 thì xa hơn nhiều, đường sá lại khó đi, từ thủy điện Vĩnh Sơn băng rừng đi bộ từ 7 giờ sáng, nhanh nhất cũng đến 2 giờ chiều mới tới nơi. Do đó, Công ty phải thuê người ở làng O2 xuống cõng hàng lên phục vụ bà con ở đây” - ông Lê Hàn Sinh, Phó Giám đốc phụ trách CTCPTH Vĩnh Thạnh, chia sẻ.
Dân làng Canh Tiến mua sắm hàng Tết tại điểm bán hàng BÔG lưu động của CTCPTH Vân Canh.
Ai tính chuyện lỗ, lời…
Làng Canh Tiến có 126 hộ dân, với hơn 400 nhân khẩu. Ông Đinh Văn Tào, Trưởng làng, cho hay, nghe tin công ty đưa hàng Tết về phục vụ bà con mừng lắm. Ở đây năm nào trúng mùa, dư dả thì người dân ăn Tết to, còn không thì cũng cố gắng sắm sửa lấy vài thứ trong nhà.
Gian hàng Tết trải ra ở nhà rông làng Canh Tiến, ngoài bánh kẹo, dầu ăn, nước mắm, trà, bia, thuốc lá cho ngày Tết, còn có nhiều hàng tiêu dùng thiết yếu khác, từ xoong, nồi, chảo, chiếu, bình ly, chén đũa, cho đến gói dầu gội, chai nước rửa chén trị giá chỉ vài ngàn đồng.
Sau một hồi chọn lựa, chị So Thị Cơ, dân tộc Bana, mua mấy món đồ như lá cờ Tổ quốc, bột, đường, chén đũa, hạt hướng dương… Chị So bảo, nước mắm, xì dầu, đồ khô thì trong làng cũng có mấy chỗ bán, nhưng các thứ dùng nhiều trong dịp Tết thì không có. Còn chị Đinh Thị Đa, dân tộc Chăm, lại rất vui khi mua được đôi chiếu hoa với giá 170 ngàn đồng, cùng một số thứ bánh, kẹo. “Trước đây, muốn mua sắm hàng Tết bà con phải xuống chợ phiên ở An Nhơn, hoặc ngược qua trung tâm xã Canh Liên, đi xa, tốn kém, hàng hóa lại đắt. Bây giờ có hàng công ty về phục vụ tại làng, bà con ai cũng phấn khởi. Khi mua cũng không phải trả giá, cứ theo giá có sẵn, ưng cái nào mua cái đó, không sợ bị mua đắt” - chị Đa chia sẻ.
Để các chuyến hàng phục vụ về miền núi đạt hiệu quả cao, điều quan trọng là phải đảm bảo khâu chuẩn bị hàng hóa và khảo sát sức mua của người dân. Ông Nguyễn Tiến Văn, Giám đốc CTCPTH Vân Canh cho hay, trước khi đưa hàng về bán tại các làng, đơn vị đều làm việc với Ban quản lý làng, tìm hiểu nhu cầu mua sắm Tết của bà con; thông báo cụ thể kế hoạch tổ chức bán hàng BÔG về làng trước 10 ngày.
“Hàng hóa BÔG đều là hàng Việt, chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu. Cước vận chuyển được nhà nước hỗ trợ nên chúng tôi chủ yếu là phục vụ công ích cho người dân trong dịp Tết, bán ngang giá mua, chứ không tính chuyện lỗ lãi…” - ông Lê Hàn Sinh khẳng định.
Bài, ảnh: THU HIỀN