Dệt may Việt Nam cần sân chơi bình đẳng
Ngành dệt may hiện là một trong những ngành dẫn đầu cả nước về xuất khẩu. Dự báo, đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể sẽ đạt 30 tỷ USD, và 55 tỷ USD vào 2025, gấp 2 lần năm 2015. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp may mặc tái cơ cấu thị trường, sản phẩm, kênh phân phối và cả phương thức kinh doanh.
Vận hội hay thách thức?
Vận hội mới sẽ giúp Việt Nam thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi kinh tế và chính trị tiếp tục ổn định cùng với các lợi thế sau hội nhập. Tuy nhiên, đại diện Công ty Dệt may Gia Định cho rằng, nhìn trong lĩnh vực dệt may, đa phần các doanh nghiệp FDI là công ty toàn cầu đến từ các cường quốc ngành dệt may, họ có xu hướng đầu tư khép kín từ kéo sợi đến thành phẩm may mặc, các công đoạn thiết kế, phân phối do công ty mẹ đảm nhận. Kể cả những doanh nghiệp FDI đã đầu tư cũng chuyển dịch theo xu thế này, như Formosa, Bamboo... Xu thế này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh do giá thành thấp, thời gian chốt đơn hàng ngắn dẫn đến gia tăng lợi thế về giá, về thành phẩm do sản xuất ổn định. Đồng nghĩa với việc này là sự bất lợi nghiêng về doanh nghiệp dệt may Việt Nam, ngoại trừ một số doanh nghiệp có tiềm lực mạnh như Vinatex (cũng đầu tư khép kín).
May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần may Việt Tiến. Ảnh: Cao Thăng
Trên thực tế, hiện khó nhất là nguồn cung vải chưa đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng của các doanh nghiệp và sẽ tạo cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực cung ứng nguyên liệu theo yêu cầu xuất xứ. Vì thế, bên cạnh việc đổi mới tư duy kinh doanh của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần phối hợp cùng hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp nghiên cứu, ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp may mặc chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hiệu riêng). Trong đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ phải được xem là trọng tâm.
Theo nhận định của các chuyên gia, khi các hiệp định thương mại (FTA) có hiệu lực, dự báo doanh số ngành may vào năm 2020 sẽ đạt mốc 30 tỷ USD, tương ứng giá trị nguyên phụ liệu cần có là 21 tỷ USD. Phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp yêu cầu xuất xứ theo cam kết của các FTA là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp may mặc Việt Nam khai thác cơ hội và lợi thế về ưu đãi thuế quan. Ngoài ra, việc đầu tư công nghiệp hỗ trợ cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp rút ngắn thời gian sản xuất, chủ động kiểm soát chất lượng, kế hoạch giao hàng và thủ tục hải quan, cân bằng lợi thế cạnh tranh với các công ty dệt may có vốn FDI. Nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ, họ rất cần nắm bắt kịp thời những thống kê, phân tích cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của các cơ quan hữu quan, từ đó tổng hợp, dự báo nhu cầu nguyên liệu theo chủng loại để làm cơ sở hoạch định cơ cấu sản xuất sản phẩm hỗ trợ.
Cần sân chơi bình đẳng hơn cho doanh nghiệp nội
Ông Trần Trung Quy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Trung Quy, nhấn mạnh việc TPHCM cần có chính sách khuyến khích sản xuất thiết bị đồng bộ trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hỗ trợ, như cơ khí chế tạo thiết bị trong dây chuyền sản xuất sợi, nhuộm, xi mạ; hay hóa chất phục vụ xử lý nước thải, nhuộm, hồ... Tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, hóa chất sẽ góp phần giảm thiểu giá thành của sản phẩm hỗ trợ. Ngoài ra, tối ưu hóa thủ tục quản lý chuyên ngành cũng sẽ góp phần giảm chi phí giá thành sản phẩm, như: chế độ kiểm tra thuế, hải quan, môi trường… Cuối cùng là phải phát triển ngành công nghiệp thời trang. TPHCM cần quyết tâm cao trong việc chuyển dịch thành phố thành trung tâm công nghiệp thời trang của cả nước, tiến tới toàn khu vực. Phát triển công nghiệp thời trang sẽ tạo lợi thế mới trong cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt trước sự thâm nhập mạnh mẽ của doanh nghiệp các nước ASEAN hay Trung Quốc. Và khi đó sẽ thúc đẩy du lịch mua sắm, gia tăng nhu cầu mở rộng hệ thống cửa hàng, bất động sản và các ngành công nghiệp khác cùng phát triển.
Có thể nói, năm 2016-2018 là giai đoạn giao thoa hội nhập khi các hiệp định thương mại đồng loạt có hiệu lực, mà mỗi cam kết đều có đặc điểm, ưu thế, ràng buộc khác nhau. Do đó, nếu các cơ quan chậm thay đổi thái độ, phong cách quản lý, thủ tục… chắc chắn sẽ gây tắc nghẽn trong đầu tư hay ở các khâu xuất nhập khẩu, hồ sơ xuất xứ. Ngoài ra, cũng cần lưu ý vấn đề phòng chống chuyển giá khi đầu tư sản xuất khép kín đang là xu hướng; hay phòng chống gian lận trong xuất xứ... Những vấn đề này nếu không kiểm soát tốt sẽ gây bất lợi lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong cạnh tranh, bởi “sân chơi” đang bất bình đẳng.
Theo Ái Vân (SGGP)