Làm thế nào để thực hiện mang thai hộ?
Việc cho phép mang thai hộ (MTH) vì mục đích nhân đạo có hiệu lực từ 15.3.2015, và ngày 22.1.2016, đứa trẻ đầu tiên được MTH ở Việt Nam đã chào đời khỏe mạnh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội. Hiện cả nước có khoảng 100 hồ sơ đủ điều kiện cho phép MTH. Dự kiến 3 tháng tới sẽ có gần 30 em bé ra đời bằng phương pháp MTH. Những người có nhu cầu có thể tham khảo những thông tin sau đây để được đăng ký MTH.
Gia đình và các y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương vui mừng đón em bé đầu tiên ra đời nhờ MTH vào sáng 22.1 vừa qua.
Thủ tục nhờ mang thai hộ
Theo Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28.1.2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện MTH vì mục đích nhân đạo, cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ MTH vì mục đích nhân đạo. Bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật này. Theo đó, người có nhu cầu nhờ MTH cần gửi hồ sơ đề nghị đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này.
Hồ sơ này gồm các loại giấy tờ: Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật MTH; bản cam kết tự nguyện MTH vì mục đích nhân đạo; bản cam đoan của người đồng ý MTH là chưa MTH lần nào; bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do UBND cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ MTH xác nhận; bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người MTH về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi và đã từng sinh con; bản xác nhận của UBND cấp xã hoặc người MTH, người nhờ MTH tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này; bản xác nhận của chồng người MTH (trường hợp người phụ nữ MTH có chồng) về việc đồng ý cho MTH; bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sĩ sản khoa; bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên; bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý; bản thỏa thuận về MTH vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ MTH và bên MTH theo quy định.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, bệnh viện phải có kế hoạch điều trị để thực hiện kỹ thuật MTH; tổ chức tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý cho vợ chồng nhờ MTH và người MTH.
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, không phải “đẻ thuê”
Nghị định số 10/2015/NĐ-CP đưa ra những quy định chặt chẽ, đảm bảo MTH vì mục đích nhân đạo, hạn chế những ca MTH vì mục đích thương mại hoặc các rắc rối về pháp lý sau này.
Với những người có hồ sơ hợp lệ, giữa hai bên còn cần ký hợp đồng dân sự được tư vấn bởi luật sư. Cả hai bên cũng sẽ cùng gặp gỡ để được tư vấn cả về khoa học, pháp lý. Hơn nữa, người MTH còn phải có xác nhận là họ hàng của bên vợ hoặc bên chồng (anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha) và chỉ được MTH duy nhất một lần.
Trong hợp đồng giữa hai bên sẽ được ghi rõ về quyền lợi và nghĩa vụ chi tiết, trong đó bao gồm cả việc trả con ngay sau sinh, quy định khám thai trong suốt thai kỳ (phát hiện những dị tật nguy hiểm sẽ buộc phải bỏ thai; trong quá trình mang thai khám định kỳ nhưng với những dị tật kín, không thể phát hiện khi sinh con ra, bên nhờ mang thai vẫn phải nhận con... Thậm chí cả các vấn đề như người MTH khi sinh con bị chết, hoặc đứa con chết, hoặc cả mẹ cả con không qua khỏi thì cũng cần thảo luận giữa hai bên xem giải quyết những tình huống này như thế nào).
Nội dung cam kết này là sự thỏa thuận giữa hai bên để tránh những phiền lụy sau khi sinh con. Luật sư khi tư vấn phải giúp cặp vợ chồng nhờ MTH làm hợp đồng, thỏa thuận và phải chịu trách nhiệm trước giám đốc bệnh viện về mặt tư vấn.
3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật MTH vì mục đích nhân đạo
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện ngay kỹ thuật MTH vì mục đích nhân đạo là tại thời điểm Nghị định số 10/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành là: Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế; Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP Hồ Chí Minh. Dự kiến, sau 1 năm triển khai tại 3 cơ sở y tế nêu trên, Bộ Y tế sẽ tổng kết và mở rộng thực hiện tại các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm. Các trung tâm này phải bảo đảm các điều kiện: Có ít nhất 1 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong năm tối thiểu là 300 ca; chưa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này; đáp ứng nhu cầu và bảo đảm thuận lợi cho người dân
CÔNG HIẾU (Tổng hợp)