Hơi ấm chiều ba mươi
Tạo hóa xoay vần, tháng Chạp lại về bên hiên. Những ngày tháng Chạp cũng hai mươi bốn giờ đồng hồ nhưng sao thấy thời gian trôi gấp gáp quá! Lòng bồn chồn xuyến xao khi mỗi sáng thức dậy xé tờ lịch cũ. Tấm vé tàu về quê mua sẵn trước hai tháng. Mỗi lần đụng tới ví gặp lại chiếc vé lại lấy nó ra ngắm nghía ngày về. Mấy năm rồi, tết cổ truyền tôi không có dịp đoàn tụ với gia đình. Không lâu nữa thôi, mình sẽ được về nhà! Tôi tự an ủi niềm vui ngày mới của mình như vậy. Những ai đi xa, tháng Chạp tới mới hiểu được nỗi lòng nhớ quê, nhớ gia đình. Cảm giác khi lớn lên đi xa mong ngóng tết đến xuân về không phải là niềm háo hức như ngày bé để được mẹ sắm cho chiếc áo mới, đôi dép đẹp hay mong đợi đi chợ giáp tết. Mà đơn giản là tết về để được quây quần bên gia đình, bên mâm cơm chiều 30 và những ngày tết ấm cúng.
Trong tôi, chiều 30 tháng Chạp có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Nhớ ngày xưa, khi còn là cậu bé mười ba mười bốn, thấy bố lật cánh cửa gian chính làm nơi gói bánh chưng, bánh tét thì hồ hởi vô cùng. Cũng lấy lá, nếp, đậu xanh, thịt, hành lá gói gói ghém ghém. Vật lộn cho tới khi lá dong tơi tả cũng không thể ra một chiếc bánh trọn vẹn. Liếc mắt sang những cặp bánh của bố gói. Không cần khuôn, chỉ bằng đôi bàn tay gầy gầy xương xương ấy vậy mà người uốn nắn thành những chiếc bánh kỳ diệu, dẻo thơm. Chiều 30 ăm ắp những công việc không tên đổ dồn lên vai mẹ cũng chỉ vì người muốn năm mới những đứa con của mình được tươm tất, đón tết ấm cúng.
Chiều 30 đã thực sự là Tết đối với tôi, bởi thời khắc này mọi sự vất vả nhọc nhằn như tan biến chỉ còn lại tình cảm gia đình ấm áp!
CAO VĂN QUYỀN