Làng gốm Hanh Mai
“Lò Nồi là một quê hương/Làm ra đồ gốm bốn phương thường dùng/ Cơm niêu, cá tộ đi chung/ Đã thành đặc sản miền Trung mặn mà”, ấy là mấy câu thơ do chính người làng gốm Hanh Mai (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) làm ra và ngân nga trong một buổi chiều xuân nắng đẹp với cả tình yêu và lòng tự hào về một làng nghề truyền thống có tự trăm năm nay.
Công đoạn tạo hình sản phẩm gốm, người thợ tay điều khiển bàn xoay, tay kia nắn đất tạo hình sản phẩm. Tùy kích cỡ, độ phức tạp mà thời gian tạo hình một sản phẩm từ 5-7 phút.
Làng gốm Hanh Mai thường được biết đến với cái tên thân thuộc: Lò Nồi. Sản phẩm của làng nghề khá đa dạng về chủng loại, mẫu mã, kích cỡ, gồm lò, trã, chậu, niêu, ấm, khuôn đúc bánh căn…Gốm bán tại nhà, bán lẻ ở chợ nhưng chủ yếu là bỏ sỉ cho các đại lý, các chợ trong và ngoài tỉnh. “Gốm đất chịu nhiệt rất tốt, có thể đến 1700˚C, dùng cho nghề làm vàng là tốt nhất vì không bị nóng chảy, do đó được tiêu thụ khắp cả nước” - anh Trần Khoa Đăng (44 tuổi), chủ một cơ sở sản xuất gốm ở làng Hanh Mai, cho biết.
Sản phẩm sau khi được tạo hình sẽ đem phơi 30-40 phút cho khô vừa. Sau đó, người thợ tiến hành gọt lại, chuốt lại bên trong lẫn bên ngoài cho láng, mịn rồi tiếp tục phơi lần 2 cho khô hẳn trong 2-3 ngày tùy điều kiện thời tiết.
Mẹ anh Đăng là cụ Võ Thị Điêp học nghề làm gốm của cha mẹ từ khi lên 9 tuổi. Khi lấy chồng, bà cũng chọn người trong làng đặng duy trì nghề gốm của ông cha. Sau này, cụ truyền lại cho con trai và con dâu. Với gần 80 năm gắn bó, cụ Điệp (88 tuổi) đã trở thành người lớn tuổi nhất làm nghề ở làng và là chứng nhân lịch sử của một làng nghề từ thời còn hưng thịnh cho đến bây giờ. “Nghề gốm khi mới hình thành rất hưng thịnh, càng về sau này nghề càng mai một. Bây giờ, người ta dùng toàn đồ điện hoặc sành, sứ, chứ ít ai dùng gốm làm vật dụng sinh hoạt hàng này nữa” - cụ Điệp chia sẻ.
Lò nung được xây bằng gạch chịu lửa, đường kính 2,5m, cao 1,5m. Lò có sức chứa 500-600 sản phẩm các loại. Nhiên liệu sử dụng cho lò đốt chủ yếu là bổi, ở đây không dùng than đá để nung vì dễ gây chảy gốm.
Chị Hằng, vợ anh Đăng, năm nay 42 tuổi nhưng lại lại là người… trẻ nhất trong làng làm gốm. “Tôi về làm dâu 20 năm, học được nghề làm gốm từ nhà chồng. Bây giờ làm để giữ cái nghề truyền thống chứ thu nhập có là bao” - chị Hằng vừa chia sẻ vừa thoăn thoắt tạo hình chiếc chậu trên bàn xoay.
Nung là công đoạn quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của mẻ gốm. Trong khi nung, phải có người túc trực “chăm” lửa. Bởi lửa già hay non đều làm sản phẩm bị biến dạng hoặc nứt vỡ. Theo những người làm gốm, một mẻ gốm sau khi nung cho ra 60-70% sản phẩm hoàn thiện không bị nứt vỡ thì được coi là thành công.
Làng gốm Hanh Mai một thời người người làm gốm, nhà nhà làm gốm, giờ chỉ còn 7 hộ giữ nghề nhưng cũng chỉ làm tranh thủ lúc nông nhàn. Có người cười vui tâm tình: “Thế hệ chúng tôi mà “đi” thì nghề này coi như tàn. Lớp trẻ giờ có ai học nghề này chi đâu”. Ai biết, trong câu nói vui đó, sau nụ cười đó ẩn chứa bao nhiêu nỗi niềm của con người nơi đây về chính cái nghề mà họ dùng cả đời để gắn bó?
Mất khoảng 7 tiếng để nung một mẻ gốm. Sau khi nung phải đợi lò nguội trong 9 tiếng. Người làm gốm phải tính toán thời gian chất sản phẩm vào lò, nung, thời gian để nguội lò sao cho công đoạn cuối cùng là dỡ lò và lấy gốm ra phải kịp trời sáng. Thông thường, họ phải thức dậy từ 3 giờ sáng để tiến hành công đoạn cuối cùng này.
Cụ Võ Thị Điêp, học nghề từ năm 9 tuổi, đến nay đã gắn bó với nghề gồm gần 80 năm.
Muốn làm sản phẩm gốm đẹp đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo
Các sản phẩm làng gốm Hanh Mai được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
THU HẠNH