Thực hiện công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh
(BĐ) - Theo đề nghị của Sở Công Thương, ngày 22.1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Cao Thắng đã ban hành quyết định về việc giao UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm quản lý, quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Ban Quản lý chợ và phê duyệt nội quy chợ đối với các chợ được quy hoạch là chợ hạng I. Cụ thể, các chợ hạng I trên địa bàn tỉnh có quy mô hoạt động chỉ mang tính chất phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân địa phương, không phải là chợ phát luồng, chợ đầu mối của khu vực kinh tế hoặc của ngành hàng để tiếp tục phân phối tới các chợ và kênh phân phối khác.
Đồng thời, các địa phương xây dựng kế hoạch, từng bước chuyển đổi mô hình quản lý chợ sang doanh nghiệp, hoặc hợp tác xã kinh doanh, khai thác và quản lý chợ theo đúng quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14.1.2003 của Chính phủ. Ngoài ra, UBND tỉnh giao Sở Công Thương rà soát, đánh giá phân hạng chợ theo quy định và tham mưu cho tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các chợ đủ tiêu chuẩn là chợ hạng I.
Hiện, Bình Định có 12 chợ hạng I, gồm: chợ Lớn mới Quy Nhơn, chợ Đầm, chợ Khu VI, chợ Dinh (TP Quy Nhơn); chợ Diêu Trì (huyện Tuy Phước); chợ Phú Phong (huyện Tây Sơn); chợ Bình Định, chợ Đập Đá (thị xã An Nhơn); chợ Phù Cát (huyện Phù Cát); chợ Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ); chợ Bồng Sơn, chợ Tam Quan (huyện Hoài Nhơn). Theo quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 của Bộ Công Thương, số chợ nằm trong diện chợ hạng I của Bình Định tiếp tục được cải tạo, nâng cấp và xây mới, không có quy hoạch chợ đầu mối; đồng thời có 2 chợ phải di dời là chợ Diêu Trì (huyện Tuy Phước) và chợ Bình Định (thị xã An Nhơn).
MAI HOÀNG