Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa: Hướng đến những mục tiêu mới
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh năm 2015 đã gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Trong đó, nổi bật là việc đón nhận nhiều danh hiệu vinh dự nhà nước. Tiếp nối thành công đó, trong năm 2016 ngành văn hóa tiếp tục hướng đến những mục tiêu mới...
Vinh danh di sản và những người giữ gìn di sản
Trong dịp đầu năm, tại lễ kỷ niệm 226 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Bảo tàng Quang Trung, đông đảo người dân và du khách đã về hòa chung niềm vui khi khu Đền thờ Tây Sơn tam kiệt đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt. Đến cuối năm, niềm vinh dự tiếp tục đến khi tháp Chăm Dương Long là 1 trong số 11 di tích trong cả nước được Thủ tướng chính phủ có quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 6). Như vậy, huyện Tây Sơn hiện đã có 2 di tích quốc gia đặc biệt cùng nằm trên một tuyến đường và chỉ cách nhau khoảng 10 km. Đây cũng là điểm đặc biệt mà có lẽ ít địa bàn huyện nào trên cả nước may mắn và vinh dự có được. Năm vừa qua cũng đã đánh dấu lần đầu tiên Bình Định có hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, đó là phù điêu nữ thần Mahishasuramardini hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Trong Đợt phong tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước năm 2015, tất cả 6 nghệ sĩ ở Nhà hát tuồng Đào Tấn, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định được Hội đồng xét tặng cấp tỉnh đề nghị lên các hội đồng cấp cao hơn phong tặng 1 NSND, 5 NSƯT đều đã thành công. Đây cũng là một trong những lần xét tặng thành công nhất đối với các nghệ sĩ Bình Định. Một điểm nhấn thành công khác là trong đợt phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ I - 2015, Bình Định có đến 18 Nghệ nhân ưu tú được công nhận ở các lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian, lễ hội truyền thống.
Nghệ nhân ưu tú Minh Đức (65 tuổi, ở xã Cát Hưng, huyện Phù Cát) tâm sự: “Sau khi được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là nghệ nhân dân gian cách đây vài năm, tôi luôn nỗ lực hết mình tham gia nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi cổ. Bây giờ lại vinh dự hơn nữa khi được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú, rồi Sở VH-TT&DL mời về dự Lễ đón nhận danh hiệu vào ngày 26.1, tôi được tiếp thêm nguồn động viên tinh thần to lớn để tiếp tục cống hiến”.
Đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng
Sở VH-TT&DL đã xây dựng kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy di sản trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực trong năm 2016. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những di sản trên quê hương Bình Định đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Các phòng chuyên môn của Sở sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục kiện toàn dữ liệu kiểm kê di sản nghệ thuật bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh, nhằm cung cấp thông tin để Viện Âm nhạc tổ chức xây dựng Bản đồ phân bố di sản nghệ thuật bài chòi (bản đồ điện tử). Đồng thời hoàn chỉnh các tài liệu, mẫu biểu quy định của hồ sơ khoa học quốc gia Nghệ thuật bài chòi miền Trung trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát bội, Bài chòi và Võ cổ truyền cũng sẽ tiến hành thêm những hoạt động gắn với những yêu cầu cấp bách từ thực trạng di sản ở địa phương. Cụ thể, Sở VH-TT&DL sẽ triển khai thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu bảo tồn một số bài quyền võ cổ truyền Bình Định”. Võ sư, Nghệ nhân ưu tú Lê Xuân Cảnh, Phó Chủ tịch Hội võ thuật cổ truyền thị xã An Nhơn, bày tỏ sự phấn khởi: “Tôi rất vui khi thấy những năm gần đây, di sản võ cổ truyền Bình Định đã ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, ngành VH-TT&DL. Việc triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về một số bài quyền tiêu biểu của võ cổ truyền Bình Định là hết sức cần thiết trong tình hình các võ sư, những người am hiểu ngày một lớn tuổi và mất dần đi”.
Một đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh khác cũng sẽ tiếp tục được triển khai trong năm nay là “Lễ hội cầu ngư ở Bình Định”. Đề tài nghiên cứu này chính là điều mong mỏi của nhiều địa phương ven biển trong tỉnh có tổ chức lễ hội cầu ngư hằng năm, hướng đến có những nhìn nhận tổng quát, khoa học về những giá trị độc đáo riêng trong hình thức tín ngưỡng dân gian của ngư dân miền biển Bình Định. Từ đó, có thêm những hình thức bảo tồn và phát huy hiệu quả hơn.
Một hoạt động trọng tâm khác là Sở VH-TT&DL cũng sẽ tiến hành lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Nước Mặn đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong thời gian tới. Theo kế hoạch trong năm nay, Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai xây dựng hồ sơ xếp hạng 4 di tích: Đồi 174, Đàn tế trời đất, Chiến thắng Lò Rèn, Bàu Sấu.
HOÀI THU