Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh:
Nâng cấp nhân lực từ nguồn tại chỗ
Cách đây vài năm, ngành Y tế huyện Vĩnh Thạnh cũng chung thực trạng thiếu trầm trọng bác sĩ (BS), nhưng không tuyển mới được. Trung tâm Y tế (TTYT) huyện đã chọn giải pháp đưa nguồn tại chỗ đi đào tạo đại học và sau đại học thường xuyên, liên tục để ổn định nhân lực phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Tăng cường đào tạo
Đầu tư nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo cho hoạt động y tế cơ sở. Trong tháng 6.2013, Vĩnh Thạnh có 3 BS tuyến xã được cử đi học chuyên khoa I về nội khoa, là Trưởng TYT xã Vĩnh Hiệp Trương Minh Diện, Trưởng TYT xã Vĩnh Hòa Nguyễn Thái Định và Trưởng TYT xã Vĩnh Thuận Nguyễn Ngọc Hải. “Sau nhiều năm làm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ở cơ sở, đi học chuyên khoa I là dịp để tôi nâng cao trình độ chuyên môn. Trong 2 năm tôi đi học, công việc ở Trạm được sắp xếp và có các BS ở Trung tâm tăng cường về giúp đỡ. Càng yên tâm hơn khi việc học tập cũng khá thuận lợi, lớp học được mở ở TP Quy Nhơn, do Dự án Hỗ trợ y tế vùng Duyên hải Nam Trung bộ tài trợ”, BS Nguyễn Thái Định chia sẻ.
Nguồn nhân lực của ngành Y tế Vĩnh Thạnh đã dần ổn định.
- Trong ảnh: Khám bệnh tại TTYT huyện Vĩnh Thạnh.
Cùng thời điểm này, TTYT huyện Vĩnh Thạnh cũng cử 2 BS của Trung tâm là Nguyễn Gấm và Thái Thành Hiệp đi học chuyên khoa I và BS Hoàng Mạnh học chuyên khoa II. Trước đó, trong năm 2012, có 10 cán bộ được đưa đi đào tạo, gồm: 1 BS chuyên khoa II, 3 BS chuyên khoa I, 2 BS, 1 dược sĩ đại học và 3 cử nhân khác.
Theo BS Hứa Tự Thảo, Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh, đây là hoạt động nằm trong kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Trung tâm. Với hình thức đào tạo chuyên tu từ nguồn nội lực, nguồn BS của Trung tâm cũng được bổ sung nhiều. Tháng 6.2013, Trung tâm có thêm 3 BS chuyên khoa I. Đồng thời, Trung tâm cũng đón 2 BS mới ra trường, trong đó có 1 BS chuyên tu, 1 BS chính quy được hỗ trợ chi phí học tập. Như vậy, hiện tại, TTYT huyện Vĩnh Thạnh có 23 BS, tỉ lệ BS phục vụ trên dân số đã đạt 8,2/10.000 dân, vượt kế hoạch đề ra đến cuối năm 2013 (8/10.000 dân).
Việc “nâng chất” nguồn nhân lực cũng là điều kiện thuận lợi để TTYT huyện Vĩnh Thạnh thực hiện kế hoạch phát triển lâu dài. BS Thảo cho biết, việc tách khoa Sản - Nhi sẽ được thực hiện ngay khi BS chuyên khoa I về nhi khoa hoàn thành khóa học. Trung tâm đang tiếp tục thực hiện kế hoạch đào tạo dài hơi. Trong năm 2014, sẽ có 2 BS chuyên khoa Tai - Mũi - Họng và Răng - Hàm - Mặt được cử đi học chuyên khoa I. “Kế hoạch này đã thông báo để những người được phân công đi học chủ động sắp xếp công việc, toàn tâm toàn ý cho việc học tập. Đồng thời, chúng tôi cũng tính đến phương án trang bị máy móc, thiết bị để phục vụ cho hoạt động chuyên môn của những người mới được đào tạo”, BS Thảo khẳng định.
Lợi nhiều bề
“Để xây dựng được nguồn nhân lực có chất lượng, công tác đào tạo rất quan trọng. Ngoài ra, chúng tôi cũng cố gắng tạo điều kiện cho BS tăng thu nhập, đảm bảo ổn định cuộc sống để họ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với đơn vị”.
Bác sĩ HỨA TỰ THẢO, Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh
Hiện nay, TTYT huyện Vĩnh Thạnh vẫn thực hiện chế độ “mỗi tuần 1 BS xã lên huyện”. BS ở xã phần lớn học đại học đã lâu, chưa được tiếp cận với các máy móc, thiết bị hiện đại. Việc họ được lên TTYT huyện làm việc ở phòng cấp cứu, tiếp xúc nhiều với bệnh nhân sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ “lụt” nghề. Đồng thời, các BS ở Trung tâm cũng luân phiên về các TYT để cầm tay chỉ việc, đẩy mạnh hoạt động khám chữa bệnh ở cơ sở vốn còn hạn chế.
Theo BS Hứa Tự Thảo, luân chuyển BS giữa huyện và xã cũng là cách cân bằng cường độ công việc và quyền lợi. Hiện, các BS đang công tác tại các TYT xã miền núi được Trung ương và tỉnh hỗ trợ khá nhiều, như chế độ thu hút 140% tiền lương, đãi ngộ của tỉnh. Trong khi đó, BS ở cơ sở y tế tuyến huyện lại chưa có chế độ thu hút.
Đây cũng là hướng đi phù hợp trong giai đoạn hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân vùng sâu vùng xa, nhất là khi ngành Y tế Vĩnh Thạnh đã chú trọng đưa các dịch vụ kỹ thuật cao về cơ sở. Đến nay, máy điện tim đã có ở 4 trạm, máy xét nghiệm đường huyết có ở 4 trạm, 1 máy siêu âm ở TYT xã Vĩnh Sơn. Sắp tới, máy siêu âm sẽ được đưa về TYT xã Vĩnh Kim và Vĩnh Thịnh, máy phân tích nước tiểu cũng được trang bị cho tuyến xã. Để các thiết bị này phát huy tác dụng, bước đầu phải đưa BS từ Trung tâm xuống để hướng dẫn; đồng thời, đưa cán bộ y tế xã lên học cách sử dụng thiết bị.
NGUYỄN VĂN TRANG