Để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng
Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã ghi nhận định hướng “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” và “tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”. Nhiều đại biểu tham dự Đại hội XII cũng như các chuyên gia kinh tế đánh giá cao định hướng này; và cho rằng để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, kinh tế tư nhân cần mở ra nhiều cơ hội, được cạnh tranh công bằng và nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía nhà nước.
Xác lập vị thế mới Hiện nay, nước ta có khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân, tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm. Đại biểu Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh (đoàn Đảng bộ tỉnh Tây Ninh) cho rằng, việc văn kiện Đại hội XII xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, thể hiện Đảng và Nhà nước tiếp tục ghi nhận những đóng góp của thành phần kinh tế này vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cùng quan điểm, đại biểu Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank (đoàn Đảng bộ khối doanh nghiệp Trung ương), phân tích: Một trong những trọng tâm để phát triển kinh tế đó là dựa vào nền tảng của kinh tế tư nhân; điều này thực sự quan trọng. Hệ thống kinh tế quốc gia có hạt nhân quan trọng là kinh tế tư nhân. “Tập trung cho kinh tế tư nhân là một trong những nội dung quan trọng của văn kiện Đại hội Đảng lần này, và hết sức phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước ta hiện nay”, đại biểu Nghiêm Xuân Thành nhìn nhận.
Các đại biểu trao đổi tại đại hội
Khẳng định trong các thành phần kinh tế, Đảng lựa chọn phát triển kinh tế tư nhân là rất “đúng” và “trúng”, đại biểu Nguyễn Minh Hùng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kinh Môn, Hải Dương (đoàn Đảng bộ tỉnh Hải Dương) chỉ rõ, đây là nguồn tiềm năng lớn để thúc đẩy, phát triển nền kinh tế - xã hội của nước nhà. Trong 30 năm đổi mới vừa qua, kinh tế tư nhân đã khẳng định vị thế của mình. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đang thúc đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, để khơi dậy động lực của từng cá nhân, tổ chức, góp phần cung cấp trí tuệ nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Nhận định về vấn đề này, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh: “Từ nay, kinh tế tư nhân sẽ được xác lập một vị thế mới trong nền kinh tế đất nước. Trong thời bao cấp, kinh tế tư nhân không được coi trọng và bị loại bỏ. Đến thời cải cách với nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư nhân bắt đầu được khôi phục. Và sau hơn 30 năm, bây giờ chúng ta khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”. Cạnh tranh công bằng, hỗ trợ nhiều hơn Tuy nhiên, dù đang có sức vươn lên mạnh mẽ, song hiện nay quy mô và nội lực của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đa phần còn nhỏ và yếu. Thống kê của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có tới 96% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Ngọc, để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như trong văn kiện đã đề ra, ngoài sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, kinh tế tư nhân cũng rất cần mở ra nhiều cơ hội, được cạnh tranh công bằng và nhận được nhiều sự hỗ trợ của nhà nước. “Chúng ta cần có định hướng rõ ràng hơn để thể chế hóa cơ chế chính sách cho phù hợp, làm sao tạo điều kiện cho thành phần kinh tế tư nhân có thể phát triển đồng bộ và có hiệu quả hơn. Giải pháp công bằng là đưa ra cơ chế ưu đãi, để các thành phần kinh tế tư nhân đều có thể có sự lựa chọn cho mình một cách thích hợp nhất, từ đó có thể hoạch định đường lối phát triển cho sản xuất kinh doanh”, đại biểu Nguyễn Thanh Ngọc đề xuất. Phân tích thêm về vấn đề này, đại biểu Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông (đoàn Đảng bộ tỉnh Đắk Nông) kiến nghị, để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, cần phải có cơ chế chính sách phù hợp với từng loại hình và từng vùng, từng ngành để làm sao thành phần này thấy được sự tham gia tích cực vào nền kinh tế. Khi thấy được vai trò và trách nhiệm, những đóng góp đó là niềm vinh dự thì doanh nghiệp, doanh nhân mới có sự cố gắng triệt để. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, muốn có một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mạnh, có năng lực cạnh tranh, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân thì cần đẩy mạnh đổi mới thể chế kinh tế. Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương , một nền kinh tế xét về lý thuyết sẽ không thể phát triển được nếu kinh tế tư nhân không phải là đầu tàu. Việc hoàn thiện thể chế là do nhà nước tạo nên. Doanh nghiệp là đối tượng sử dụng thể chế nên phải có trách nhiệm thúc đẩy để hoàn thiện thể chế. TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, muốn nền kinh tế phát triển thì doanh nghiệp với tư cách là một thể chế phải được thiết kế lại. “Ở đây nói đúng hơn là phải tái khởi động khởi nghiệp. Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp phát triển theo kiểu kiếm ăn chộp giật thì thể chế doanh nghiệp đó không đúng với thị trường, nhà nước cũng khó để điều chỉnh chính sách phù hợp”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Theo Bảo Minh (SGGPO)