Mong Ban Chấp hành TƯ khóa XII là những người có tư duy đổi mới
Một công việc quan trọng của Đại hội Đảng lần thứ XII là bầu chọn Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Công việc ấy sẽ được thực hiện vào ngày hôm nay (26.1). Cán bộ và nhân dân cả nước đang kỳ vọng vào lá phiếu đầy tinh thần trách nhiệm của các đại biểu để Đảng ta có một Ban lãnh đạo gồm những người trí tuệ, tài năng và đôi bàn tay sạch, đủ bản lĩnh, tận tâm tận lực đưa đất nước tiếp tục sự nghiệp đổi mới.
Nhân dân cả nước kỳ vọng bằng bản lĩnh chính trị và trách nhiệm trước Đảng, trước dân, các đại biểu sẽ bầu chọn Ban chấp hành mới thật sự là một tập thể đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí, hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân chủ và chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Đại hội XII của Đảng diễn ra trong bối cảnh đất nước đang ở vào một vị thế mới với những thuận lợi và khó khăn đan xen nhau. Những thức khi hội nhập, những phức tạp trong các quan hệ quốc tế và khu vực cùng những mâu thuẩn, tác động từ quan hệ nội tại khi xây dựng thể chế kinh tế thị trường, đòi hỏi bộ máy lãnh đạo Đảng phải thực sự gồm những người trí tuệ và bản lĩnh.
Có trí tuệ để xử lý hiệu quả mọi vấn đề trọng đại của quốc gia. Có bản lĩnh để không khuất phục trước những nguy cơ đe dọa nền độc lập tự do của dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ; để không bị khuất phục bởi những cám dỗ của quyền lợi vật chất tầm thường; để những người lãnh đạo chủ chốt từ địa phương đến Trung ương và các Bộ ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước luôn là những cán bộ Đảng có đôi “Bàn tay sạch”.
Không phải ngẫu nhiên mà phần nhiều ý kiến của cán bộ, đảng viên khi góp ý văn kiện Đại hội XII đã bày tỏ mong muốn Đảng mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh với nạn tham nhũng, lãng phí và xem tinh thần quyết tâm chống tham nhũng như một tiêu chuẩn đạo đức quan trọng để lựa chọn cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Bởi, thực tế đã có một số người có chức có quyền thời gian qua bị lợi ích vật chất chi phối, đã để tay dính chàm.
Đảng và Nhà nước cũng đã thấy, cũng đã ra tay chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; một số vụ án lớn đã được xét xử, kẻ tham nhũng đã bị pháp luật trừng trị, nhưng xem ra tham nhũng vẫn còn rất phức tạp, làm mất lòng tin trong dân chúng.
Điều đó đặt ra trách nhiệm nặng nề cho Ban Chấp hành mới của Đảng, đặc biệt là những cán bộ chủ chốt. Cần có quy định cụ thể kiểm soát quyền lực, không để quyền lực bị tha hóa, lộng quyền; minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình, không có vùng cấm, vùng “nhạy cảm” trong chống tham nhũng; có qui định cụ thể không để người nhà của các quan chức chủ chốt từ cấp tỉnh lên đến các bộ ngành trung ương tham gia kinh doanh trên lĩnh vực và địa bàn mà người nhà phụ trách, đồng thời phải chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước và công luận; công khai minh bạch và chịu trách nhiệm giải trình về tài sản và nguồn thu nhập của gia đình cán bộ chủ chốt…
Chống tham nhũng là một trong những công việc hết sức hệ trọng đối với nước ta hiện nay, để đảm bảo cho sự ổn định chính trị và phát triển bền vững đất nước, quy tụ lòng người xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vừa phải khẩn trương, quyết liệt như chống giặc, vừa phải rất khoa học, hiệu quả. Người dân kỳ vọng ở trí tuệ, bản lĩnh của những người chịu trách nhiệm cầm lái con thuyền Cách mạng của Đảng trong nhiệm kỳ mới.
Theo Hoàng Mai Anh (VOV)