Hoài Châu vui mùa kiệu tết
Tuy không sánh bằng “thủ phủ” kiệu Phù Mỹ, song 3 cánh đồng kiệu ở 2 xã Hoài Châu và Hoài Châu Bắc (huyện Hoài Nhơn) cũng đem lại cho hàng trăm hộ nông dân địa phương niềm vui được giá trong vụ kiệu tết năm nay.
Nông dân thôn An Quý Bắc thu hoạch kiệu tết.
Theo thống kê, trên địa bàn 2 xã Hoài Châu và Hoài Châu Bắc hiện có khoảng 230 hộ dân trồng kiệu với tổng diện tích hơn 18 ha, tập trung tại các thôn An Quý Bắc và An Quý Nam (Hoài Châu) và Gia An Nam (Hoài Châu Bắc). Mặc dù năm nay kiệu không đạt sản lượng như vài năm trước nhưng giá mua sỉ tại ruộng từ 8.000 đến 9.000 đồng/kg, cao hơn năm 2014 từ 3.000 đến 3.500 đồng/kg nên phần nào cũng đem lại niềm vui cho người trồng kiệu.
Ông Phan Ngọc Trương, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Châu, cho biết: “Đất ở 2 thôn An Quý Bắc và An Quý Nam phần lớn là đất pha cát nên rất thích hợp để trồng kiệu; đây cũng là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương”.
Bà Nguyễn Thị Thu Nhung, nông dân trồng kiệu ở thôn An Quý Bắc, chia sẻ: “Dù sản lượng đạt thấp nhưng củ kiệu vẫn đảm bảo săn chắc, đồng đều nên không bị thương lái ép giá như mọi năm. So với cây lúa và cây mì ở đây, cây kiệu cho lãi suất cao hơn từ ba đến năm lần. Cũng nhờ mấy sào kiệu mà gia đình tôi có thêm một số tiền kha khá để trang trải cái Tết”.
Lão nông Ngô Đức Dụng (72 tuổi) ở thôn Gia An Nam, xã Hoài Châu Bắc, có thâm niên hơn 10 năm trồng kiệu, trải lòng: “Vụ này tui trồng 5 sào kiệu. Nói thật, cuối năm mà không có mấy sào kiệu thì vợ chồng già tui không biết bán thứ gì để có đồng ra đồng vào sắm Tết”. Được biết năm nay, kiệu ở đây nhổ tới đâu bán hết tới đấy, giá tăng hơn 20% nên dẫu mới thu hoạch 3/4 diện tích kiệu của gia đình, nhưng ông Dụng đã thu về gần 15 triệu đồng.
Lâu nay người trồng kiệu ở Hoài Châu và Hoài Châu Bắc hầu hết là sản xuất theo phương thức truyền thống nên năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cây kiệu không cao. Tuy nhiên, củ kiệu ở vùng này được người tiêu dùng ở Đà Nẵng, Vũng Tàu, Đăk Lắc, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum…đánh giá cao nên rất ít khi bị “thừa hàng, dội chợ”.
Bà Nguyễn Thị Chiến, thương lái kiệu, cho biết: “Hàng năm, tôi mua gom vài tấn kiệu của bà con ở đây. Kiệu ăn củ thì chuyển vào các tỉnh phía Nam, kiệu sử dụng cả củ lẫn lá thì chuyển lên các tỉnh Tây Nguyên. Vụ kiệu tết này giá kiệu nhích lên từng ngày nên bà con ai cũng vui”.
“Trong thời gian tới, địa phương sẽ xây dựng phương án đề xuất lên cấp trên khoanh vùng quy hoạch, hướng dẫn kỹ thuật trồng kiệu cho bà con nông dân nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cây kiệu, từng bước quảng bá thương hiệu sản phẩm kiệu của địa phương” - ông Phan Ngọc Trương cho biết.
BẢO SƯƠNG- ÁNH NGUYỆT