Võ cổ truyền và dấu ấn võ sư Bùi Trung Hiếu
Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Ðịnh vừa được thành lập cách đây 3 năm, nhưng nhờ sự tích cực đầu tư, suy nghĩ và tìm hướng phát triển, giám đốc - võ sư Bùi Trung Hiếu cùng đồng sự đã tạo dựng được những giá trị riêng, vừa góp phần quan trọng trong bảo tồn, phát huy di sản võ, vừa duy trì thành tích tốt cho đội tuyển.
Võ sư Bùi Trung Hiếu (thứ hai từ phải sang) trong đêm chung kết, trao thưởng Giải võ cổ truyền các võ đường toàn tỉnh - tranh cúp Hoàng đế Quang Trung năm 2015.
Máu lửa với thể thao thành tích cao
Công việc của Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định ngày càng dày và đa dạng, nhưng xuất thân là một võ sĩ, HLV, nên võ sư Bùi Trung Hiếu rất quan tâm đến lĩnh vực thể thao thành tích cao. Ông góp mặt ở hầu hết các giải đấu để chỉ đạo, động viên học trò. Được coi như thủ lĩnh tinh thần, sự có mặt của ông đã kích thích các VĐV thi đấu máu lửa hơn, nhờ đó thành tích của đội tuyển võ cổ truyền Bình Định luôn được duy trì ở mức cao.
Trong năm 2015, toàn đội đã giành được tổng cộng 148 huy chương (tăng hơn 40 huy chương so với năm 2014) ở các giải vô địch quốc gia, giải khu vực, giải trẻ và Giải võ thuật cổ truyền Quốc tế - cúp Thăng Long. Chuẩn bị cho những đấu trường quan trọng, ông đích thân dành thời gian xuống lớp, tham gia vào công tác huấn luyện để trang bị kỹ về chuyên môn cho học trò.
Võ sư Bùi Trung Hiếu chia sẻ: “Không phải tôi không tin tưởng đội ngũ huấn luyện hiện tại, mà chỉ nghĩ rằng mình có nhiều kinh nghiệm hơn chút ít nên cùng tham gia với anh em. Phải vận dụng hết khả năng của từng người để giữ cho được thành tích, chứ một khi đã đi xuống thì khó mà vực dậy lắm”.
Hơn ai hết, khi còn là VĐV, ông đã trải qua một giai đoạn khó khăn, khi võ cổ truyền Bình Định liên tục trắng tay ở các giải vô địch quốc gia. Đau đớn nhất là ở kỳ Đại hội TDTT toàn quốc năm 2002, khi nội dung đối kháng có sự thay đổi về luật, cho thi đấu trên thảm chứ không đánh trên đài như trước. Nhiều võ sĩ xuất sắc của Bình Định chưa bắt nhịp với luật mới đã bị loại một cách đáng tiếc.
Có dịp đi cùng đội tuyển võ cổ truyền Bình Định tham dự Giải võ cổ truyền Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014 tại Nam Định, tôi mới thấy hết những trăn trở của võ sư Bùi Trung Hiếu cho “trận đánh lớn” này. Ngoài giờ cùng các học trò thi đấu, ông lấy bảng danh sách ra nghiên cứu, hình dung lại lối đánh của VĐV đối phương để có thể chỉ cho học trò cách đối phó hiệu quả nhất. Cái đầu làm việc hết công suất đến tận khuya, nhưng sáng sớm ông đã cùng học trò tập luyện trong cái rét căm căm miền Bắc những ngày cuối năm. Có một câu chuyện khá xúc động ở giải đấu đó mà ít người biết, sau khi dự buổi bốc thăm về, ông nhận được điện thoại từ quê nhà, bảo rằng hôm nay xả tang thân phụ mà không thấy ông ở nhà. Lúc đó ông mới sực nhớ ra vì trước đó quá chú tâm về giải đấu, lòng chợt rưng rưng nên đành hoãn buổi họp đội lại ít phút, sợ ảnh hưởng đến tâm lý VĐV.
“Cỗ máy” ý tưởng
Làm việc cùng nhau nhiều năm, tôi hiểu khá rõ về võ sư Bùi Trung Hiếu. Đó là con người cực kỳ tâm huyết với võ cổ truyền và luôn tận tâm, tận lực hoàn thành cho được những công việc đã vạch ra. Bởi vậy, kể từ khi ông được giao nhiệm vụ phụ trách Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, mỗi khi thấy điện thoại reo và đầu dây bên kia nói ngắn gọn “Uống cà phê em ơi!” là tôi hiểu rằng mình sắp được nghe “trình bày” về một ý tưởng nào đó.
“Ðể tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng, Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Ðịnh đã xây dựng xong kế hoạch tổ chức “Ðêm võ đài xứ Nẫu”, dự kiến sẽ diễn ra hàng tuần tại TP Quy Nhơn kể từ đầu năm 2016”
Cái hay của ông là… không bao giờ cho phép mình nghỉ ngơi. Khi người ta chưa tường tận, đánh giá hết phần việc này thì ông đã “đẻ” ra thêm “dự án” khác. Khi đã có “cái gì đó” trong đầu, ông sẵn sàng chia sẻ với mọi người và “bắt” người ta phải nghe, tham gia ý kiến. Nhận thấy tâm huyết của ông dồn vào các ý tưởng đó, ai cũng chăm chú, rồi góp ý cho hoàn hảo và sẵn sàng giúp đỡ để biến nó thành hiện thực.
Trên cái nền Giải vô địch võ cổ truyền các CLB toàn tỉnh hàng năm, ông khéo léo chuyển sang thành Giải võ cổ truyền các võ đường toàn tỉnh - tranh cúp Hoàng đế Quang Trung, với những nội dung mới mẻ hơn, giàu ý nghĩa hơn. Đây vừa là cách nâng tầm cho giải đấu phong trào, vừa góp phần bảo tồn những giá trị mang đặc trưng riêng của các võ đường. Mong muốn mọi người đều có thể cảm nhận được không khí võ thuật trên miền đất Võ, ông tận dụng những mối quan hệ của mình, tham mưu cho lãnh đạo để “kéo” nhiều sự kiện võ thuật về tổ chức tại Bình Định. Những giải cúp vô địch võ thuật cổ truyền toàn quốc, giải vô địch võ thuật cổ truyền miền Trung - Tây Nguyên, chung kết giải võ cổ truyền các VĐV xuất sắc toàn quốc tranh đai vô địch Let’s Viet… đều được tổ chức thành công. Qua đó, tạo sự lan tỏa và khẳng định thêm thương hiệu cho một trong những cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam.
Để tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng, Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định đã xây dựng xong kế hoạch tổ chức “Đêm võ đài xứ Nẫu”, dự kiến sẽ diễn ra hàng tuần tại TP Quy Nhơn kể từ đầu năm 2016. Cùng với đó, võ sư Bùi Trung Hiếu cùng đồng sự đang nghiên cứu triển khai không gian võ thuật, với các hoạt động biểu diễn quyền, thi đấu võ đài ở khu vực tháp Bánh Ít, nhằm khuấy động phong trào ở huyện Tuy Phước và các vùng phụ cận.
Võ sư Bùi Trung Hiếu chia sẻ: “Cũng nhờ sự quan tâm của các ngành, các cấp liên quan nên Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định mới hoàn thành được những nhiệm vụ của mình. Tôi cũng chỉ là một thành viên trong tập thể đó chứ đâu có gì đặc biệt”.
lê cường