Bình Ðịnh, trên những dặm dài thương nhớ
Tỉnh Bình Định là địa phương sở hữu những tầng trầm tích lịch sử, văn hóa phong phú. Thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Bình Định có đặc điểm địa lý tự nhiên và hệ sinh thái khá đa dạng, có nhiều vùng biển, bờ biển đẹp.
Biển và phố trong đêm Quy Nhơn lung linh. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Trên đất Bình Định hiện còn nhiều di tích liên quan đến văn hóa của người Chăm, đặc biệt là 8 cụm/14 tháp Chăm. Bình Định là nơi khởi phát của phong trào nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ 18 với tên tuổi lẫy lừng của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Bình Định là xứ sở của các loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo như: tuồng, bài chòi. Không chỉ là cái nôi sinh ra nhiều danh nhân, Bình Định còn là nơi nuôi dưỡng, là nơi chốn dừng chân để nghệ sĩ nổi tiếng phát tiết tinh hoa, có thể kể đến: Đào Duy Từ, Đào Tấn, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan...
Vững vàng biển đảo, đất trời Nhơn Châu (TP Quy Nhơn). Ảnh: N.DŨNG
Bình Định có bờ biển dài trên 130 km, nhiều vịnh, bãi tắm đẹp cùng nhiều danh lam thắng cảnh. Tại nơi đây, nhiều lễ hội truyền thống được duy trì tốt và ngày càng phát triển như: lễ hội Đống Đa, lễ hội Chợ Gò, lễ hội đô thị Nước Mặn, hội Đổ Giàn… Bình Định cũng là địa phương giữ gìn được khá nhiều nghề thủ công truyền thống, đáng kể nhất là nghề nấu rượu, nghề chằm nón, nghề làm bún, nghề làm bánh tráng.
Hòn Khô (xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn), một điểm đến ngày càng thu hút được nhiều du khách. Ảnh: N.DŨNG
Với vốn quý di tích văn hóa, lịch sử, với danh lam thắng cảnh, với những lễ hội, sản vật độc đáo - người Bình Định, với sự hồn hậu, thân thiện đang tích cực giới thiệu Bình Định đến với bạn bè muôn phương. Chúng tôi xin giới thiệu dưới đây một số hình ảnh về Bình Định với bạn đọc.
Nếu xứ Huế nổi tiếng với nón bài thơ - loại nón lá thanh lịch, mỏng nhẹ thì Bình Định lừng danh với nón ngựa Phú Gia, Cát Tường - loại nón mang vẻ đẹp mạnh mẽ của con nhà võ, thường được thêu hoa văn theo các đề tài long, lân, quy, phụng; lưỡng long tranh châu; mai lan cúc trúc... trên nang sườn nón. Ngày nay, dải sản phẩm của làng nón Cát Tường khá phong phú nhưng nổi tiếng nhất vẫn là nón ngựa. Ảnh: NGÔ THANH BÌNH
Tăng Bạt Hổ (1858 - 1906), tự là Sư Triệu, hiệu là Điền Bát, tên thật là Tăng Doãn Văn, là chí sĩ Việt Nam tham gia chống Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ông sinh ngày 19.7.1858 tại làng An Thường, nay thuộc xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân. Tháng 2.2015, huyện Hoài Ân đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài chí sĩ Tăng Bạt Hổ tại giao lộ ngã tư đường Nguyễn Tất Thành - Quang Trung (Trung tâm thị trấn Tăng Bạt Hổ - Hoài Ân). Ảnh: HỒ VIỆT QUỐC
Trên đất kinh xưa. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Tại Bình Định, ở đâu cũng có lò bánh tráng, ngay giữa thành phố Quy Nhơn cũng có. Nhưng không đâu nhiều và nổi tiếng bằng An Nhơn. Ở “đất Vua”, nhiều làng bánh tráng có đến hàng trăm năm tuổi và nổi tiếng nhất vẫn là Trường Cửu. Ảnh: HÀ NGUYÊN
Hằng năm vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Âm lịch người dân Bình Định và du khách cả nước lại náo nức du xuân lễ hội tết Đống Đa tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong - Tây Sơn - Bình Định để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, đánh thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược. Ảnh: VĂN LƯU
Huyện Vân Canh chỉ mới nổi tiếng về chuối từ thập niên 90 của thế kỷ 20. Nhưng giờ đây, chuối Vân Canh đã trở thành một thương hiệu mạnh. Ở Bình Định, nhắc đến chuối là phải nói ngay đến “thủ phủ chuối” Vân Canh. Chuối Vân Canh mập căng, to trái, đẹp nải chưng Tết rất bắt mắt. Cây chuối đã được người dân Vân Canh chọn là một trong những loại cây trồng chủ lực, do hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Ảnh: BÙI QUANG HƯNG
Hệ thống các lễ hội ở huyện Vĩnh Thạnh rất phong phú, đa dạng. Vĩnh Thạnh là địa phương duy trì và phát huy khá tốt giá trị các lễ hội trong điều kiện hiện đại.
- Trong ảnh: Làng M9, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh tổ chức lễ hội khánh thành nhà rông, mừng thành quả 10 năm tái định cư trên vùng đất mới. Ảnh: XUÂN DŨNG
Dưới bóng râm của những hàng sao xanh cổ thụ hàng trăm tuổi, tòa nhà nguyện vụt vươn lên thanh thoát. Những công trình kiến trúc tôn giáo hoành tráng thường khiến người ta tự nhiên trở nên nhỏ bé trước tạo hóa. Nhưng trong một buổi sáng mùa Đông tĩnh mịch ở Làng Sông, sự gần gũi chan hòa trong bóng nắng nhảy múa khiến cảm giác an hòa lặng lẽ len vào tâm hồn. Ảnh: TRẦN HOA KHÁ
Hầm Hô là một dải liên hoàn bậc thang gồm: suối, thác, hồ, sông, lạch trải dài gần 2km men theo vùng hạ lưu sông Kút; là căn cứ địa hiểm yếu của nghĩa quân Tây Sơn khi mới dựng cờ khởi nghĩa, của nghĩa quân Mai Xuân Thưởng trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19 và là nơi hoạt động của lực lượng cách mạng trong những năm chống Mỹ. Đến với Hầm Hô, du khách không chỉ đắm mình trong cảnh sắc núi non hùng vĩ mà còn được tận hưởng vẻ đẹp kỳ thú của những trụ, tảng đá với những hình thù kỳ lạ, đây thật sự là những tuyệt tác của thiên nhiên ngay dưới lòng sông. Ảnh: LÊ HỒ BẮC
Lễ hội Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và ra đời rất sớm ở Bình Định, cách đây gần 4 thế kỷ. Lễ hội được tổ chức hàng năm từ mồng 1 đến mồng 3 tháng 2 Âm lịch tại chùa Bà, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Ảnh: H.V.Q
Thác K50 Sông Nga (còn có tên là thác Cao) ở xã An Toàn, huyện An Lão. Ảnh: PHAN ĐÌNH TRUNG
Hoài Nhơn có vùng cói lớn nhất Bình Định. Nghề dệt chiếu cói truyền thống ở Tam Quan, Hoài Châu nổi tiếng khắp nước.
- Trong ảnh: Gánh cói. Ảnh: NGÔ THANH BÌNH
Đầm Châu Trúc (hay còn có tên là Trà Ổ, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ) là một thắng cảnh. Ban ngày đầm Châu Trúc là một thắng cảnh tĩnh lặng. Khi chiều xuống sức sống căng tràn của nó mới bừng dậy. Người thả lưới, người buông câu, người ra đặt mồi nhử trong gọng vó, người sửa lại bộ đăng - lưới của mình... tiếng gõ mạn xuồng lốc cốc... lắc cắc khiến người ta có cảm giác đó là một bản hòa âm của yên bình kéo từ hoàng hôn đến bình minh. Ảnh: HẢI VÕ
Tổ chức trang báo và viết lời bình: Đông A