Đìu hiu bảo tàng, nhà truyền thống huyện
Bảo tàng, nhà truyền thống cấp huyện là nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa của một địa phương, một địa chỉ đỏ để nhân dân tìm đến tham quan, tìm hiểu về bề dày lịch sử, văn hóa của một vùng đất. Thực trạng chung của hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống huyện trong tỉnh là gặp nhiều khó khăn về không gian trưng bày, điều kiện bảo quản, hiệu quả hoạt động còn hạn chế.
Tồn tại lặng lẽ
Nằm trong khuôn viên Trung tâm VH-TT-TT thị xã An Nhơn (249 Trần Phú, phường Bình Định), phòng truyền thống thị xã An Nhơn có diện tích khá khiêm tốn (chưa đến 100m2). Được thành lập từ năm 1990, đến nay phòng truyền thống này chưa một lần được đầu tư sửa sang, nâng cấp. Phòng trưng bày 500 hiện vật, tư liệu gốc và 100 tranh, ảnh, trong đó có nhiều hiện vật gốc quý giá. “Vì hầu như không có khách đến tham quan, tìm hiểu nên phòng không có lịch mở cửa định kỳ, thường xuyên trong tuần mà chỉ phục vụ khi có liên hệ, yêu cầu trước hoặc khi có khách đến”, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, cán bộ bảo tàng của Trung tâm VH-TT-TT thị xã An Nhơn, chia sẻ.
Tương tự, nhà truyền thống huyện Tuy Phước cũng nằm trong khuôn viên Trung tâm VH-TT-TT huyện (17 Xuân Diệu, thị trấn Tuy Phước), trưng bày khoảng 300 hiện vật, tư liệu, hình ảnh. Ngoài nhà truyền thống huyện, Tuy Phước còn 1 điểm trưng bày nữa là Nhà lưu niệm Chi bộ Đề-pô Diêu Trì (di tích lịch sử cấp tỉnh, tại thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì). Theo chị Phạm Thị Lệ Nhiên, nhân viên phụ trách công tác bảo tàng của Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước, phòng truyền thống huyện mở cửa vào thứ 2, 6 trong tuần, Nhà lưu niệm Chi bộ Đề-pô Diêu Trì mở cửa thứ 3, 5 trong tuần.
Trong khi đó, phòng truyền thống huyện An Lão đã ngưng hoạt động từ nhiều năm nay. Đây là một căn phòng nhỏ diện tích chỉ khoảng 20m2, hiện vật trưng bày ít ỏi, sơ sài và không được đầu tư nâng cấp, bổ sung. Hiệu quả hoạt động thấp nên Trung tâm VH-TT-TT huyện đã tận dụng, chuyển đổi phòng truyền thống làm nơi làm việc cho cán bộ, nhân viên Trung tâm. Số hiện vật đã có đang được Trung tâm bảo quản, phòng truyền thống huyện chỉ còn trên danh nghĩa…
Cần nỗ lực cải thiện
Ngoài 2 bảo tàng quy mô cấp tỉnh là Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và Bảo tàng Quang Trung, ở cấp huyện, thiết chế văn hóa bảo tàng, phòng truyền thống, nhà lưu niệm khá phong phú. Cụ thể, có 4 bảo tàng, phòng truyền thống huyện ở các huyện Phù Cát, Tuy Phước, Hoài Ân, thị xã An Nhơn; có 4 nhà lưu niệm: Chi bộ Cửu Lợi (huyện Hoài Nhơn), Chi bộ Hồng Lĩnh (thị xã An Nhơn), Chi bộ Đề-pô Diêu Trì (huyện Tuy Phước) và Nhà lưu niệm Sở Công an Nam Trung Bộ (huyện Hoài Nhơn).
Khảo sát tại các phòng truyền thống huyện, tình hình chung là hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế. Đơn vị quản lý là Trung tâm VH-TT-TT khá lúng túng, bế tắc trong việc tìm hướng nâng cao hiệu quả hoạt động cho thiết chế này. Mặt khác cũng chưa thể hiện sự tích cực, chủ động trong việc thu hút khách tham quan.
Ông Từ Văn Minh, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT thị xã An Nhơn cho rằng, để nhà truyền thống trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho nhân dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền cũng như sự chung tay phối hợp của hệ thống trường học trên địa bàn, đoàn thanh niên… để vận động thu hút đoàn viên-thanh niên, học sinh đến tham quan, tìm hiểu. “Với hiện trạng cơ sở vật chất hiện có, nhà truyền thống thị xã An Nhơn khó lòng đáp ứng, thu hút được người xem. Nhà truyền thống có lợi thế số lượng hiện vật nhiều và giá trị, cán bộ giàu chuyên môn, nếu được bố trí địa điểm phù hợp và đầu tư, nâng cấp hoạt động, tin rằng thiết chế này sẽ phát huy hiệu quả”, ông Minh cho biết.
Ông Võ Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước, cho biết: “Từ khi được nâng cấp năm 2010, mặc dù lượng người đến tham quan nhà truyền thống rất hạn chế nhưng chúng tôi vẫn đặt ra mục tiêu là ngày nào cũng mở cửa (trừ 2 ngày nghỉ cuối tuần). Đồng thời, liên hệ với ngành Giáo dục, Huyện đoàn, Hội Cựu chiến binh huyện… để thu hút khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử địa phương tại đây. Thời gian đến, Trung tâm sẽ tích cực, chủ động hơn trong công tác thu hút người xem, nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà truyền thống”.
Những năm gần đây, nhiều nhà truyền thống, nhà lưu niệm đã được đầu tư xây dựng. Thời gian tới, số lượng các công trình văn hóa này sẽ còn tăng lên. Được biết, công trình Nhà Văn hóa huyện An Lão đang được xây dựng, sau khi hoàn thành sẽ đưa phòng truyền thống vào hoạt động tại đây, tiếp quản số hiện vật đã có, đồng thời sưu tầm, bổ sung thêm. Huyện Phù Mỹ cũng đang triển khai các bước để xây dựng lại nhà truyền thống huyện, dự kiến khởi công vào cuối năm nay. Có thể thấy, việc đầu tư, xây dựng nhà truyền thống không khó, điều quan trọng là phải phát huy hiệu quả hoạt động của từng công trình. Đây là điều các địa phương, đơn vị quản lý cần tính đến.
SAO LY
Theo tôi khi xã hội chưa phát triển thì các công trình văn hoá công cộng trong đó có bảo tàng, nhà truyền thống vắng khách là chuyện thường,và một khi các nhà lãnh đạo không thấy vấn đề truyền thống là quan trọng thì tình trạng cơ sở vật chất đìu hiu không có gì phải bàn. Ngoài ngành là như vậy, thử hỏi trong ngành có ông lãnh đạo ngành văn hóa đi xem bảo tàng chưa , hình như chưa hề thấy, người làm bảo tàng hiện chỉ sống bằng lương là chính nên họ cũng khó khăn lắm . Về nhà truyền thống, bảo tàng cấp huyện nhiều khi xây bởi một sự kiện gì đó mà họ làm, không có một chiến lược nào cả .Người Việt nam vối không có thói quen toan tính lâu dài ,mà có thói quen "nước đến chân mới nhảy", bản tính cố hữu nó thế,cho nên đứng trách gì cả .tất nhiên nếu ta biết cách vẫn có người đến xem, Trung Quốc họ làm cái này rất tài . Ta thì vậy đấy ...