Ðộc đáo nghề nuôi tôm... trên vách
Mỗi buổi sáng, hình ảnh ông cụ da dẻ hồng hào, khỏe mạnh ngồi trước căn nhà số 490 Ngô Gia Tự, tay cầm rựa thoăn thoắt vót nan tre đã trở nên quen thuộc đối với người dân phường Bình Ðịnh (thị xã An Nhơn). Cụ tên là Nguyễn Minh Châu, nay đã 87 tuổi, được mọi người gọi với cái tên trìu mến là “Châu tôm”, bởi chỉ có cụ mới sáng tạo ra cái nghề gọi là nuôi tôm… trên vách.
Cụ Nguyễn Minh Châu đang ngắm nghía một sản phẩm tôm tre đã hoàn thành.
Mở đầu cuộc trò chuyện với tôi, cụ Châu nói: “Chú cứ đưa cây tre cho tôi, chú muốn làm cái gì thì tôi sẽ làm cái đó cho chú”. Bởi đối với cụ, từ nguyên liệu là tre, mây hay nhựa, không chỉ các con vật như rắn, rết, cua, bướm mà cho đến chiếc nón hay Quốc huy, cụ đều làm trông y như thật.
Cụ Châu kể, ngay từ nhỏ cụ đã có năng khiếu và niềm say mê đặc biệt với hội họa. Lớn lên ở đất cây tre, bụi lúa, những lúc đi chăn trâu, rảnh rỗi cụ và đám bạn lại lấy phấn vẽ hình cây cối, hoa lá lên mả vôi hoặc bẻ những nhành tre xếp thành hình con vật. Hơn 40 tuổi, cụ mới bắt đầu làm hàng mỹ nghệ. Ngoài các sản phẩm bằng tre đã kể trên, cụ khá nổi tiếng với việc sử dụng bông gòn để làm những chú chim sẻ trông y như thật hoặc đắp tranh nghệ thuật.
“Ai cũng khen sản phẩm bằng tre của tôi sống động, một phần cũng do mẫu tạo hình là những sự vật, đối tượng tôi tiếp xúc hàng ngày, quen thuộc tới từng chi tiết, cử chỉ, hành động nên mới có thể lột tả được hết cái hồn của nó”, cụ Châu chia sẻ.
Thời điểm những sản phẩm mỹ nghệ bằng tre không đứng vững được trên thị trường, cụ Châu bắt đầu chuyển sang làm tôm tre. Đó là năm 1987. Những con tôm đầu tiên cụ làm chủ yếu là loại tôm càng, tôm sú, trông không được bắt mắt lắm. Thấy được điều đó, trong 3 năm liền, cụ Châu đã nghiên cứu cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm, hoàn chỉnh quy trình sản xuất tôm tre với nhiều công đoạn chế tạo độc lập, mỗi khâu do một người đảm trách, tập trung vào một mẫu tôm hùm.
Ông Nguyễn Phúc Sơn, 56 tuổi, con trai cụ Châu, chia sẻ: “Trước đây, cứ có cảm hứng là ba tôi làm chứ chưa có định hướng gì cả. Nhưng đến con tôm tre thì mới thực sự gọi là làm kinh tế, bởi nó được người tiêu dùng rất thích và hàng cũng tiêu thụ được rất tốt”.
Được cha truyền nghề và giờ là thợ chính đảm nhận hầu hết các công đoạn trong làm tôm tre, ông Sơn cho biết: “Làm tôm tre, khó nhất là thể hiện cho được dáng khum khum cái lưng của con tôm. Với chất liệu tre, khi được phủ lên lớp sơn “trang điểm”, trông nó không khác gì con tôm vừa được lột vỏ ngoài. Mỗi giống tre, thậm chí mỗi đoạn trên thân của một cây tre cũng được chia “nhiệm vụ” chỉ giữ một vị trí trên thân tôm. Còn bí quyết lớn nhất của nghề làm tôm tre là khâu xử lý nguyên liệu, bởi tre là loại cây dễ bị mối mọt nên cần phải qua quá trình xử lý nghiêm cẩn”.
Kể về quy trình làm ra con tôm tre, bà Lê Thùy Công, vợ ông Sơn, miêu tả chi tiết: “Râu của con tôm được làm bằng sợi thép, ngoài quấn dây chuối nhỏ, có thể ngoe nguẩy được nên nhìn rất sống động. Đầu tôm thì được tạo dáng bằng gỗ cây gòn, rất mềm và nhẹ, phủ lên lớp keo sau đó rải thêm lớp cát mịn. Phần thân con tôm là những khúc tre tròn được cưa xéo, xếp theo quy cách từ lớn đến nhỏ dần về phía đuôi và được kết với nhau cũng bằng những sợi dây thép. Phần đuôi là những miếng tre được chẻ rất mỏng, tạo hình và vuốt láng, xếp xòe ra”.
Không chỉ có tuổi thọ cao, việc làm tôm tre tách rời từng bộ phận cũng rất tiện lợi cho việc đóng hộp sản phẩm để xuất khẩu và người sử dụng có thể dễ dàng tháo lắp sản phẩm mà không gặp trở ngại nào vì luôn có bảng hướng dẫn kèm theo.
Cơ sở sản xuất tôm tre của cụ Châu hiện cả thảy có 6 nhân công, đều là họ hàng trong nhà. Sản phẩm tôm tre được phân thành 3 loại: loại nhỏ nhất (thân tôm dài khoảng 40 cm, không kể phần râu) có giá 350 ngàn đồng/con; loại trung bình (50 cm) có giá 400 ngàn đồng/con, loại lớn (75 cm) giá 1 triệu đồng/con. Khoảng 2 năm trở lại đây, sản lượng hàng tôm tre mỹ nghệ do cơ sở cụ Châu sản xuất và bán tăng gấp đôi so với trước đó, đạt mức bình quân 200 - 300 sản phẩm/tháng, dịp tết thì số lượng có thể tăng gấp 2-3 lần. Ngoài số khách hàng đến nhà mua lẻ, cụ Châu có 2 khách hàng lớn ở TP Hồ Chí Minh. Theo ông Sơn, thông qua hai khách hàng này, sản phẩm tôm tre của gia đình không chỉ được tiêu thụ trong nước, mà còn được xuất khẩu, có đợt xuất sang Mỹ cả container.
NGUYỄN HỒNG PHÚC