Mất dần nhà rông truyền thống
Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Kế hoạch 07 về phát triển du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa giai đoạn 2011-2015 của Huyện ủy Vĩnh Thạnh có đề cập đến việc xây dựng các công trình kinh tế kết hợp với danh lam thắng cảnh. Báo cáo nêu rõ: “Nhận thức đúng vị trí, vai trò quan trọng của nhà rông trong đời sống cộng đồng người Bana, từ năm 2011 đến nay, tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện luôn quan tâm chỉ đạo đầu tư, xây dựng. Toàn huyện đã xây dựng được 27 nhà rông trên tổng số 29 làng đồng bào Bana, chiếm tỉ lệ 93,1%”.
Theo đề tài nghiên cứu khoa học “Văn hóa làng Bơhnar Kriêm” của nhà nghiên cứu Yang Danh, nhà rông là một trong năm cái chung quan trọng của các làng đồng bào dân tộc Bana ở huyện Vĩnh Thạnh. Các thành viên trong làng phải đóng góp nhiều công sức tham gia làm nhà rông bằng những nguyên vật liệu tìm kiếm trong rừng như gỗ, tre, nứa, song mây, tranh lá… Nhà nghiên cứu Yang Danh nhấn mạnh: “Nhà rông truyền thống của người Bana là nét đặc trưng tiêu biểu của nền văn hóa làng, mang vẻ đẹp của trí tuệ, công sức tập thể, tinh thần đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, là sức mạnh cộng đồng không gì lay chuyển nổi…”.
Cuối năm 2011, trong chuyến đi thực tế tìm hiểu về việc xây dựng nhà rông ở huyện Vĩnh Thạnh, đến nhiều làng vẫn chỉ thấy nhà rông mới được xây kiểu mái lợp ngói, cột và cầu thang lên xuống bằng bê tông, vách gỗ, nhiều cửa ở vách trước, sàn đổ bê tông lát gạch hoa… Đến làng M2, xã Vĩnh Thịnh, mừng như “bắt được vàng” khi tìm được nhà rông đúng nguyên bản truyền thống cả về kiến trúc lẫn vật liệu. Nhà rông này đã được dựng cách đó 5 năm, từ sự chung sức đồng lòng của người dân. Mỗi hộ gia đình lo một khối lượng vật liệu cụ thể, nhất là loại lá tranh khó kiếm để lợp mái dựng nhà rông theo đúng “nguyên bản”.
Vậy mà, cuối tuần rồi, trở lại làng M2, nhà rông truyền thống đã biến mất, thay vào đó là những cột bê tông sắt thép được dựng lên để chuẩn bị xây mới… Hỏi một người dân trong làng cũng là nghệ nhân đánh cồng chiêng, ông bảo cũng không biết nhà rông mới sẽ xây dựng kiểu gì?!
Nhà rông đã bị “biến dạng” so với kiến trúc truyền thống và ý nghĩa cộng đồng trong việc xây dựng. Điều này không thể chỉ viện vào lý do các loại vật liệu làm nhà rông truyền thống giờ khó kiếm, lại mau hư hỏng… mà còn do nhận thức chưa đúng trong công tác bảo tồn di sản nhà rông. Ví như chuyện sau khi những nơi khác đã xây nhà rông kiểu mới thì tại làng M2 còn tồn tại “của hiếm” nhà rông truyền thống, thay vì có thể vận động, cấp kinh phí để người dân sửa chữa, thì đáng tiếc cũng bị phá bỏ. Rồi đây, thế hệ trẻ người Bana ở huyện Vĩnh Thạnh, những nhà nghiên cứu, khách du lịch… nếu muốn tìm hiểu cũng sẽ không còn được thấy một nhà rông tiêu biểu theo đúng kiến trúc truyền thống ở huyện Vĩnh Thạnh.
MAI THƯ
tôi thì nghĩ rằng nên làm lại nhà rông truyền thống, chứ mấy cái kiểu xây mới này nhìn vào nó không hiện lên là một nhà rông đúng nghĩa. nhưng nếu mà làm lại truyền thống thì có lẽ sẽ không sảy ra vì kinh phí không có đâu mà làm lại kiểu cũ, với lại xây lên rùi, ai nỡ đập đi. tiền không trong đó mà.