Giao thừa ở phòng cấp cứu
Giao thừa - thời khắc thiêng liêng, ai cũng muốn sum họp bên gia đình, người thân. Thế nhưng, đâu phải ai cũng được như ý, nhất là với người công tác tại các cơ sở khám chữa bệnh, làm việc theo từng ca trực nghiêm ngặt.
Một ca mổ cấp cứu trong dịp Tết tại BVĐK tỉnh.
Về nhận công tác tại BVĐK tỉnh từ năm 1997, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống Đào Văn Nhân chẳng nhớ nổi mình đã đón bao nhiêu cái Tết ở bệnh viện. Và, làm sao nhớ nổi mình đã đưa được bao người bước qua lằn ranh sinh - tử trong thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.
Gặng hỏi mãi, anh chỉ nhớ được một ca rất đặc biệt. Giao thừa cách đây 3 năm, phòng Hồi sức của khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống tiếp nhận một bé trai 12 tuổi ở huyện An Lão trong trạng thái động kinh liên tục. Kết quả kiểm tra cho thấy hình ảnh dị dạng động tĩnh mạch não. Sau cuộc hội ý chớp nhoáng, các bác sĩ quyết định phải phẫu thuật cấp cứu, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong. Ca mổ tiến hành khi đồng hồ nhích dần về con số 0. “Chẳng ai để ý đến giao thừa ăn gì uống gì cả, chỉ biết cố sức và ca mổ thành công, cháu bé được cứu sống. Không thể nào diễn tả được niềm vui ấy”, bác sĩ Nhân chia sẻ.
Với điều dưỡng khoa Nội Tim mạch Trần Văn Lượng, 4 năm gắn bó với BVĐK tỉnh cũng là từng ấy lần anh đón Tết ở phòng cấp cứu. “Đó là điều rất đỗi bình thường, bởi tôi luôn quan niệm làm nghề y là phải phục vụ cho người bệnh, bất kể vào thời điểm nào”, anh tâm sự.
Bác sĩ Đào Văn Nhân thăm khám bệnh nhân ở phòng hồi sức - điểm nóng nhất trong những ngày Tết.
“Giao thừa năm 2013, có ca bệnh nặng với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, choáng tim, tụt huyết áp, hen tim vào khoa lúc 23 giờ 30. Sau một hồi cấp cứu, dùng thuốc nâng huyết áp… bệnh nhân khỏe lại, cả kíp trực cùng người nhà bệnh nhân đều vui mừng khôn xiết. Nhìn lại đồng hồ lúc này đã là 0 giờ 30, giao thừa đã trôi qua tự lúc nào. Không đón được giao thừa, nhưng lại thấy vui vì một con người vừa được cứu sống, vừa đón thêm được một cái giao thừa. Cảm xúc lúc ấy thật đặc biệt, thật vinh dự khi đền đáp được niềm tin mà gia đình bệnh nhân gửi gắm, họ cứ xúm lại cầm tay cảm ơn chúng tôi và nói lời chúc mừng năm mới”, anh Lượng kể lại.
Giao thừa năm ngoái, người viết bài này phải nằm viện sau một tai nạn giao thông. Và có dịp thấm thía cảm giác năm cũ chầm chậm trôi qua trên những tấm ga giường trắng toát. Xung quanh là nạn nhân của những vụ tai nạn giao thông, đánh nhau. Bệnh nhân đau đớn la hét, nhân viên y tế tất bật luôn tay. Đâu đó vang lên những lời chúc tụng, cùng nhau chào đón năm mới đang đến. Chỉ khi nào có được trải nghiệm thật sự, ta mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của ca trực trong đêm giao thừa…
Với những người làm công tác quản lý, bên cạnh việc tham gia trực cấp cứu trong những ngày Tết, một nhiệm vụ quan trọng không kém là bố trí ca trực thật hợp lý. Phó Giám đốc BVÐK khu vực Bồng Sơn Trần Quốc Việt chia sẻ, quan trọng nhất là lên phương án trực vừa đáp ứng nhu cầu điều trị trong dịp cao điểm này, vừa đảm bảo nhân lực “trực chiến” lẫn lực lượng dự bị. “Bệnh viện nằm ngay trên Quốc lộ 1A, là đầu mối điều trị bệnh nhân của cả cánh Bắc tỉnh, nên lượng ca bệnh nhân tiếp nhận mới là rất cao. Trăn trở lớn nhất với chúng tôi tai nạn giao thông tăng rất cao trong dịp Tết, nhất là ngày cuối năm”, bác sĩ Việt bày tỏ.
MAI LÂM