Vườn xuân trên nóc nhà phố
Ðể nhà phố có thêm chút gió trời, sắc xanh tự nhiên, làm dịu đi sự khô cứng của những bức tường xung quanh, nhiều người đã tạo dựng những khu vườn xinh xắn trên ban-công, dưới mái hiên và đặc biệt là trên sân thượng.
Chị Hường rất thích thú nói về những khuôn rau sạch.
1.
Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, nhà ở 22/3 Ngô Mây, TP Quy Nhơn, có thâm niên 30 năm chơi hoa lan, cây cảnh trong nhà. Nhà chị không rộng, không có nhiều không gian để thỏa thích đam mê sưu tập, nên chị Tuyết chỉ chọn những giống lan, cây cảnh quý và lạ. Trong phạm vi 30m2 của 2 ban-công và một khoảnh sân nhỏ, chị đã treo khoảng 200 giò hoa, bên dưới còn đặt một vài viên đá cảnh, đồ mỹ nghệ; quanh năm khuôn viên nhà chị lúc nào cũng có hoa đang nở. Là một kỹ sư sinh học, lại mê hoa lan, chị am hiểu và nhiệt tình hướng dẫn, vận động bạn bè tập tành chơi, dần dà nhóm bạn chơi lan thân thích của chị phát triển ngày càng đông.
Một người say mê hoa lan, cây cảnh nhưng cũng ít có điều kiện về không gian, đó là chị Đẩu Thị Nương, nhà ở một hẻm nhỏ đường Hai Bà Trưng. Hẻm cụt dẫn vào nhà chị dài khoảng 20m, rộng chừng hơn 1m bởi hai bên tường nhà hàng xóm; chị đã tận dụng để treo gần 100 giò lan các loại, trong đó nhiều giống quý hiếm như Vũ nữ, Đại châu, Long tu, Ngọc điểm… Với khoảng không rất nhỏ trước mặt nhà, chị trồng các cây lá như phát tài, dây thằn lằn, trường sanh, cây lưỡi hổ, mai tiểu thơ tạo một không gian xanh khá sinh động.
Tận dụng ban-công, chị Tuyết làm nên vườn treo nhiều tầng bậc.
2.
Vợ chồng chị Phạm Thị Xuân Cúc và anh Hoàng Minh Nghĩa (05A, hẻm 2, Phạm Ngọc Thạch) có được khuôn viên sân khá rộng, anh chị đã dành phần lớn để lắp dàn hoa lan. Anh chị chơi lan chưa lâu lắm, nhưng niềm đam mê hết sức mãnh liệt; anh chị thường đi công tác xa, người nào cũng muốn sưu tầm những giống lạ, “độc”, nên vườn hoa treo nhà mình chẳng mấy chốc chật chỗ. “Mỗi lần mở cửa ra là cả vườn xuân ùa vào nhà, thấy cuộc sống hưng phấn hơn, nên có đi đâu lâu cũng muốn về nhà”, anh Nghĩa tâm sự.
Một người cũng có điều kiện về không gian, đó là anh Tuấn Anh, giáo viên Trường THPT Hùng Vương, ở 111B Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn. Dù đất phố Quy Nhơn đắt đỏ, nhưng anh dành gần 100m2 để làm vườn hoa, cây cảnh, thú cảnh. “Nghề chơi” của anh cũng lắm công phu, bên trên là một “rừng” hoa treo với những giống đắt giá. Hàng chục chậu đại châu tốt khỏe, mỗi chậu có đến hàng chục cặp lá xanh mướt vươn dài, cùng những bó rễ dài hàng mét; bên dưới là hồ nước nuôi rùa, một số thú cảnh…; lại chọn vườn hướng đông nam đón nắng tốt, nên vườn nhà của anh quanh năm là mùa xuân. “Sở dĩ tôi đam mê hoa lan là vì không như các giống hoa khác thường chỉ nở vào một thời điểm hoặc mùa nhất định, hoa lan là loại hoa có thể chơi suốt bốn mùa trong năm”, anh Tuấn Anh bộc bạch.
“Vườn xuân” trên sân thượng nhà chị Hường. Ảnh: NHƯ YẾN
3.
Quán cà phê Osaka của chị Trần Thị Thu Hường, ở 98A Mai Xuân Thưởng, khá hoành tráng, quanh năm trưng bày hàng chục chậu hoa lan tươi đang đơm hoa, dây leo, cỏ trang trí, tiểu cảnh làm cho không gian quán vừa lộng lẫy, vừa gần gũi với thiên nhiên. Thoạt đầu khách cứ ngỡ chủ quán chịu khó đi mua hoa, lá về trưng bày. Ít ai biết được trên sân thượng của tòa nhà này chị dành khoảng không gian gần 200m2 để chơi hoa lan, trồng kiểng và trồng rau. Với quy mô gần một ngàn chậu lan các loại, trong đó có nhiều Dendro nắng xưa (cũ), loài lan được nhiều người sành lan ưa chuộng. Chị trưng dụng hết diện tích, chỉ chừa những lối đi để chăm sóc hoa, rau, cây cảnh nhưng vẫn chưa đủ; dọc các bức tường, khoảng không cầu thang từ tầng 1 lên tầng 3, các ban-công đều tranh thủ treo các giỏ hoa, dây leo trang trí.
Ảnh: MINH THÁI
Ấn tượng nhất là vườn rau sạch của chị với hơn 20 loại khác nhau, trong đó gần một nửa giống rau ngoại, do chính chị sưu tầm, đặt mua qua các đợt công tác trong và ngoài nước. Quan trọng nhất là bằng sự siêng năng, am hiểu và yêu thích hoa, rau cỏ, chị Hường đã biến không gian sân thượng thành vườn hoa và vườn rau thực thụ; trong đó chị cho một số giống rau không cần nhiều ánh sáng, núp dưới “tán rừng” lan, để tiết kiệm diện tích. Những khuôn rau của chị tươi tốt, mượt mà đến mát cả mắt. Chị Hường nói vui: “Tui cầm tinh… nông dân, mát tay trồng cây nên cây gì cũng sống, cũng tốt; thậm chí có người khai thác cây về trồng thường nhờ tui đặt tay trước đấy!”.
Tranh thủ lối hẻm hẹp, chị Nương đã tạo một không gian xanh cho ngôi nhà.
Chục năm trở lại đây, phong lan, các giống cây trang trí trong nhà nhập ngoại tràn ngập thị trường nước ta; nhiều giống được di thực, thuần dưỡng phù hợp với khí hậu Việt, góp phần cho phong trào chơi lan, cây trang trí trong nhà ở Quy Nhơn có điều kiện phát triển mạnh thêm. Và những người chơi hoa lan tài tử (không vì mục đích kinh tế) cũng nhiều hơn, hàng trăm vườn xuân khác ở thành phố cũng đang hình thành.
NGỌC DIÊN