Về Nhơn Lý ăn bánh xèo mực
Ba cô làm nghề chài lưới. Má cô mở quán bánh xèo mực nho nhỏ bán cho dân vạn chài. Tài sản lớn nhất của gia đình cô ngoài chiếc thuyền đi biển của ba còn là tài nội trợ rất cừ của má. Cô cười: “Món bánh xèo đã gồng gánh sách vở cho em suốt mấy năm đại học đấy”. Anh đọc được trong ánh mắt của cô lấp lánh niềm tự hào.
Mùi mực tươi, bột thơm kích thích “dạ dày” người ăn từ khi bánh còn trên khuôn.
Làm việc với nhau nhiều, anh hay nghe cô kể về vùng biển Nhơn Lý quê cô -nơi có Eo Gió, Kỳ Co với những đường cong được dát bằng cát vàng và biển xanh đẹp mê hồn; nghe cô huyên thuyên về mấy món ngon của xứ Nẫu, trong đó có món bánh xèo mực mà cô cứ xuýt xoa: “Má em làm ngon lắm”. Để rồi, một ngày đẹp trời nọ, cô mời anh: “Nè anh, về Nhơn Lý ăn bánh xèo mực với em hông?”. Cô nghĩ rủ chơi, ai dè anh đi thật. Từ thủ đô xa xôi, có chàng trai theo chân cô gái nhỏ phiêu lưu về Nhơn Lý chỉ vì “em tả cái bánh xèo mực ngon quá, nghe thôi đã phát thèm”.
Để làm ra được một cái bánh xèo mực thơm ngon và hấp dẫn, đòi hỏi người làm bánh phải tỉ mẩn và chỉn chu ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu. Trước hết là mực phải tươi. Mực để đúc bánh lý tưởng nhất phải là con mực bọt (mực mới đẻ, mới nở), to chừng cỡ ngón tay út. Không tìm được mực bọt, người ta dùng mực kim hoặc xắt nhỏ con mực lá to ra thành khúc nhỏ.
Vì Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) là vùng biển có đáy cát trong nên mực ở đây thường sạch, ngon và ngọt hơn so với các vùng biển khác. Đem mực rửa sạch rồi bỏ đông lạnh trước một ngày, khi nào đúc bánh thì đem rã đông trước vài giờ là có thể chế biến. Thấy anh tròn mắt ngạc nhiên, cô giải thích: “Mực tươi thì ngọt. Nhưng làm vậy thì túi mực sẽ chết đi, khi bỏ vào khuôn đúc sẽ không bị giập mật và bánh sẽ không bị đen”.
Má cô nói: “Bánh xèo ngon còn phải phụ thuộc vào bột để đúc bánh. Ấy phải là bột gạo ở quê, được xay nhuyễn và lọc kỹ càng, đem bỏ vào ngăn mát của tủ lạnh trước giờ đúc bánh khoảng vài tiếng đồng hồ để bột có độ mịn và độ dẻo vừa đủ, khi đúc thì bánh sẽ giòn và thơm hơn”. Vừa nói, má cô vừa nhanh tay thoa dầu vào khuôn nóng, sau đó đặt con mực tươi lên, khi màu tím hồng của mực bắt đầu chuyển sang trăng trắng thì bà cho một muỗng bột gạo vào và tráng đều khắp khuôn, rắc lên trên bánh một ít giá đỗ và hành tây thái mỏng rồi đậy nắp lại.
Khi nghe mùi thơm dậy lên từ chiếc khuôn nhỏ, bà mở nắp vung ra, đợi bánh giòn thêm tí nữa rồi mới vớt ra ngoài. Nhìn chiếc bánh có màu vàng như nắng tháng Giêng, điểm tô trên đó là sắc trắng hồng của mực tươi đã chín, sắc xanh của hành lá băm nhỏ, dạ dày của anh bỗng chốc kêu gào dữ dội. Anh đón nhận đĩa bánh từ tay má cô mà hân hoan như đứa trẻ ngoan được mẹ phát quà. Ăn kèm bánh xèo mực với rau sống và nước mắm nhĩ Nhơn Lý, quả là ngon hết sẩy. Thảo nào anh vẫn nhớ cái vẻ thất vọng của cô mỗi lần vào một quán bánh xèo nào đó ở Hà Nội, cô thường phàn nàn “sao mà nhớ món bánh xèo mực quê mình”.
Chiều nay, khi ngồi sắp xếp lại công việc cuối năm, liếc nhìn qua cô, anh thấy cô đang chăm chú với mấy mẩu tin liên quan đến xóm chài bé nhỏ. Hẳn là cô đang nhớ nhà. Hẳn là cô đang nghĩ về quán bánh của má. Đột nhiên, anh nói: “Nè, hôm nào nghỉ lễ, lại cho anh về Nhơn Lý ăn bánh xèo mực của má em nữa nha?”.
KIM HUÂN